Đường về Cà Lúi hôm nay không còn xa.
Cà Lúi vỏn vẹn 620 hộ dân thì đã có 162 hộ nghèo và 148 hộ cận nghèo. Nhiều năm qua, người dân nơi đây phải chịu cảnh khốn khổ vì đường từ Trà Kê (xã Sơn Hội) vào Cà Lúi rất khó đi. Trước đây, cứ mỗi lần mưa to, gió lớn, Cà Lúi gần như bị cô lập. Giờ thì mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Những chiếc xe máy, ô tô vận chuyển hàng hóa ra vào xã khá nhộn nhịp…
Con đường của Đảng đi vào lòng dân
Cà Lúi là xã đặc biệt khó khăn, cũng là đơn vị cấp xã miền núi cuối cùng ở Phú Yên được đầu tư đường bê tông. Từ khi thi công tuyến đường Trà Kê - Cà Lúi, chính quyền địa phương đã vận động người dân cùng góp sức đầu tư thêm các tuyến đường về với các thôn. Qua đó tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương. UBND huyện hy vọng, với con đường này, Cà Lúi sẽ lập nhiều “kỳ tích” trong phát triển kinh tế như cha anh đã làm trong hai cuộc kháng chiến trước đây.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Tô Phương Bắc
|
Có đường bê tông vững chãi không chỉ là niềm mong mỏi, khát khao của người dân Cà Lúi, mà còn là của lãnh đạo UBND huyện Sơn Hòa qua nhiều thời kỳ. Do vậy, tập trung xây dựng mạng lưới đường nông thôn cho Cà Lúi nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo đòn bẩy để Cà Lúi từng bước phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hiện đại hóa nông thôn là “mệnh lệnh từ trái tim” của lãnh đạo huyện Sơn Hòa.
Sau nhiều lần tìm nguồn vốn, cuối năm 2019, tuyến đường từ Trà Kê đi Cà Lúi với chiều dài hơn 12km, mặt đường rộng 6,5m, kinh phí gần 23 tỉ đồng được khởi công xây dựng. Trong đó, ngân sách tỉnh Phú Yên hỗ trợ 47%, phần còn lại là vốn đối ứng của huyện Sơn Hòa.
Ngày khởi công làm đường, bà con ở đây vui như hội. Họ phấn khởi vì con đường bao năm mơ ước đã dần trở thành hiện thực. Vì thế, người dân không chỉ ủng hộ ngày công mà còn tự nguyện hiến đất để mở rộng con đường. Sau nhiều tháng thi công, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tuyến đường dẫn về xã Cà Lúi đã cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Hòa và đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp bàn giao con đường vào cuối tháng 9 này.
Là người đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, 50 năm tuổi Đảng và sống hơn nửa cuộc đời tại đây, ông Ma Then (79 tuổi) lần đầu tiên mới tận mắt thấy được con đường bê tông thông thoáng ở xã mình. Ông chia sẻ: “Từ ngày có đường mới, nhìn các cháu đi học không còn vất vả, tôi thấy ưng cái bụng và vui lắm! Có đường bê tông mới, bà con đi lại, giao lưu, sinh hoạt cũng thuận lợi nhiều hơn. Đây chính là con đường của Đảng đã đi vào lòng dân”.
Còn ông Ma Thanh ở thôn Ma Lăng cho rằng, nhờ Nhà nước đầu tư con đường bê tông mới nên việc đi lại không còn vất vả như trước. “Sau năm 1975, tôi được bố mẹ cho đất mặt đường xây nhà ở. Tuy nhiên đây chỉ là con đường đất, mùa mưa thường xuyên bị sạt lở, trơn trượt không đi xe đạp được; có công việc thì phải đi bộ ra huyện. Nhờ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư con đường này, chúng tôi vui lắm. Có đường mới, bây giờ lũ nhỏ đến trường đỡ vất vả hơn, người dân trong thôn ốm đau sẽ được đưa đi cấp cứu kịp thời; cây sắn, cây mía do bà con làm ra vận chuyển về nhà máy nhanh hơn, đỡ tốn kém chi phí hơn các năm trước”, ông Thanh hồ hởi chia sẻ thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Thi, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Hòa, con đường Trà Kê - Cà Lúi chỉ dài 12km, nhưng nhiều năm qua huyện rất trăn trở vì không tìm ra được nguồn vốn đầu tư. Xuất phát từ trăn trở này, huyện đã đề nghị và huy động nhiều nguồn vốn từ tỉnh, huyện và sức dân nên cuối cùng tuyến đường được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, giao thương và vận chuyển hàng hóa với các địa phương trong vùng, góp phần phát triển kinh tế.
Về Cà Lúi không còn xa
Có đường mới, nếp nghĩ, sinh hoạt của bà con trong xã giờ cũng đổi khác. Bởi con đường mới không chỉ làm thỏa lòng mong ước của người dân Cà Lúi bao đời nay, giúp vơi đi những nhọc nhằn của học sinh trên đường đến trường, mà còn tạo điều kiện để người dân giao thương thuận lợi, phát triển kinh tế. Và hơn nữa, đó còn là động lực để người dân Cà Lúi phấn đấu vươn lên thoát nghèo, khi không còn lo vận chuyển lương thực, nông sản gặp khó khăn, không ngại đường xa, cách trở mỗi khi mùa mưa bão đến…
Men theo đường bê tông mới vào tận các thôn của Cà Lúi hôm nay, dường như đời sống của bà con được tiếp thêm sức sống mới, nhiều hộ dân đã xây nhà, sửa sang lại tường rào cổng ngõ, trồng hoa, mở tiệm sửa chữa xe máy, nhiều hộ mạnh dạn chuyển từ việc làm rẫy sang kinh doanh buôn bán.
Vợ chồng chị Vi Thị Nhung ở thôn Ma Lăng vừa mở một tiệm tạp hóa lớn trong xã với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của người dân. Chị Nhung chia sẻ: “Tôi đã có ý định mở một tiệm tạp hóa từ lâu nhưng tuyến đường liên xã chưa được đầu tư, phương tiện lưu thông về xã gặp nhiều khó khăn, cách trở nên dự định mãi vẫn chưa làm được. Hiện nay, tuyến đường bê tông từ Trà Kê - Cà Lúi được đầu tư thông suốt nên vợ chồng tôi quyết định mở tiệm tạp hóa này; đưa được nhiều mặt hàng thiết yếu về phục vụ, để bà con không phải đi xa nữa”.
Cà Lúi bao đời nay biệt lập với các vùng xung quanh, bị bao bọc bởi các ngọn đồi lô nhô. Chủ tịch UBND xã Cà Lúi Sô Minh Hương xúc động nói: “Trước đây, đường đi lại khó khăn lắm, bà con có nuôi được con heo, con gà mang ra chợ bán cũng khó; trồng được cây mía, cây sắn thì chỉ bán được bằng nửa giá so với các xã ở ngoài. Chưa kể mỗi khi trời mưa, đường trơn, trẻ con đi học khổ cực lắm. Bây giờ đường về Cà Lúi không còn xa. Có đường bê tông thông thương nên nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và trồng trọt để có thêm thu nhập…”.
Rời Cà Lúi khi mặt trời đã đứng bóng sang bên kia sườn núi, nhìn những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt các mẹ, các bà trên đường đi rẫy về mới thấy hết được ý nghĩa mà con đường mới mang đến. Vẫn biết chặng đường phía trước, Cà Lúi vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng chính con đường bê tông mới, vững chãi này sẽ là “chìa khóa” giúp đồng bào nơi đây vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.