Nhà thầu yếu không có “cửa” vào cao tốc Bắc - Nam

Ngày 23/09/2020
Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu của 3 dự án với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng khi tham gia đấu thầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
phải là dự án mẫu mực, phòng chống tham nhũng, đảm bảo chất lượng, tiến độ
(Trong ảnh: Thi công cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn). Ảnh: Đình Quang

Hơn 100 nhà thầu nằm trong các liên danh và đứng độc lập đang được các tổ chuyên gia đấu thầu của hai Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 đánh giá dựa trên các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu và quy định của pháp luật đấu thầu, nhằm lựa chọn ra những nhà thầu tốt nhất thi công 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Lượng hồ sơ dự thầu lớn nhất từ trước đến nay

Chỉ hơn một tháng từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), đến cuối tháng 7/2020, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu làm cơ sở để Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 phát hành hồ sơ mời thầu xây lắp vào ngày 8/8/2020.

Trong khoảng một tháng phát hành hồ sơ (kể cả thời gian gia hạn) đã có 360 bộ hồ sơ được bán ra, đến thời điểm mở thầu (4/9 và 14/9/2020), hai Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 đã nhận được 44 hồ sơ dự thầu tại 13 gói thầu của 3 dự án, trong đó có tới 34 hồ sơ dự thầu với tư cách liên danh (mỗi liên danh có tối đa 3 nhà thầu) và 10 hồ sơ dự thầu của nhà thầu đứng độc lập.

Tính ra, số lượng doanh nghiệp tham gia đấu thầu 3 dự án lên tới hơn 100 nhà thầu. Gói thầu ít nhất cũng có 3 hồ sơ dự thầu với tư cách liên danh nhà thầu hoặc đứng độc lập. Nhiều nhất là gói XL03 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Ban QLDA7 nhận tới 6 hồ sơ dự thầu của 6 liên danh nhà thầu gồm 18 doanh nghiệp xây lắp tham gia.

Lượng hồ sơ dự thầu lớn nhất từ trước đến nay khi đấu thầu các dự án giao thông minh chứng cho sự công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu và sức hấp dẫn rất lớn của 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam đối với các doanh nghiệp xây lắp.

Đến nay, công tác chấm thầu lựa chọn nhà thầu tại 13 gói thầu xây lắp đang được thực hiện bởi các tổ chuyên gia đấu thầu của Ban QLDA Thăng Long (Mai Sơn - QL45, Dầu Giây - Phan Thiết) và Ban QLDA7 (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) nhằm sớm tìm ra những nhà thầu tốt nhất để bắt tay vào thi công.

Hồ sơ được bảo mật nghiêm ngặt

Dù chỉ diễn ra trong thời gian khá ngắn, nhưng chấm thầu là công đoạn giữ vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của mỗi dự án, bởi chọn được nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm, công trình sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Ngược lại, để lọt những nhà thầu yếu kém vào công trình trọng điểm quốc gia này hậu quả sẽ khôn lường.

Ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, trước đây, khi tổ chức đấu thầu, bên mời thầu quản lý hồ sơ hoàn toàn. Tuy nhiên, khi đấu thầu 3 dự án này, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Cục đã cử các tổ công tác xuống Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 để tham gia giám sát cùng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an), Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) tại lễ mở thầu của cả 3 dự án.

“Tại lễ mời thầu, ngoài hồ sơ gốc do bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật, một bộ hồ sơ dự thầu bản sao đã được đưa riêng vào thùng sắt, sau đó khóa lại dán niêm phong và có chữ ký của các bên liên quan. Việc này nhằm tránh hiện tượng tiêu cực, thông đồng trong đấu thầu, bởi khi chấm thầu có vấn đề gì phát sinh, nếu cần thiết cơ quan liên quan sẽ mở hòm hồ sơ lưu giữ ra để đối chiếu, xác minh”, ông Tiến nói.

Lập “hàng rào” kỹ thuật, sàng lọc nhà thầu yếu

Cũng theo ông Tiến, để đảm bảo công bằng, minh bạch và lựa chọn được những nhà thầu tốt nhất, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014, Nghị định 100/2018, Thông tư 03/2015 của Bộ KH&ĐT, các quy định có liên quan, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu của 3 dự án với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, tài chính… khi tham gia đấu thầu.

Đồng thời, trên cơ sở các quy định của pháp luật đấu thầu, Bộ GTVT còn hoàn thiện các tiêu chí, yêu cầu rõ ràng, đầy đủ hơn các nội dung trong hồ sơ mời thầu. Cụ thể, Luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014 không quy định cụ thể số lượng thành viên tối đa đối với nhà thầu liên danh khi tham gia dự thầu. Bên cạnh đó, pháp luật về xây dựng và đấu thầu cũng không quy định giá trị và số lượng tối đa nhà thầu phụ thực hiện trong một gói thầu.

Do đó, để đảm bảo quản lý chặt chẽ hợp đồng, đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ, trong hồ sơ mời thầu 3 dự án quy định rõ: Số lượng thành viên trong liên danh không quá 3 thành viên. Nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất trong liên danh; Từng thành viên tham gia trong liên danh phải đảm nhận thực hiện khối lượng công việc không thấp hơn 25% giá trị gói thầu.

Đối với nhà thầu phụ xây lắp, trong hồ sơ mời thầu cũng quy định, tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu (kết cấu mặt đường chính tuyến, cầu lớn, công trình hầm…).

“Rút kinh nghiệm từ các dự án trước đây chia công địa manh mún, nhà thầu quá nhiều dẫn tới việc xử lý trách nhiệm của từng nhà thầu gặp khó khăn. Do vậy, trong hồ sơ mời thầu 3 dự án cao tốc này, Bộ GTVT quy định rõ tối đa không quá 3 thành viên trong một liên danh.

Nếu không quy định vậy sẽ không thể đáp ứng yêu cầu cầu của dự án”, ông Tiến nói và cho biết thêm, 3 nhà thầu chính trong liên danh kết hợp với các nhà thầu phụ theo quy định của hồ sơ mời thầu, tính ra mỗi gói có khoảng 5 - 6 nhà thầu là phù hợp.

Theo thông tin của Báo Giao thông, 13 gói thầu của 3 dự án được phân chia theo từng quy mô khác nhau, gói nhỏ nhất gần 900 tỷ đồng và gói lớn nhất hơn 3.300 tỷ đồng. Lý giải điểu này, ông Tiến nói: “Việc này để tăng tính hấp dẫn của các gói thầu bởi mỗi doanh nghiệp ở quy mô khác nhau.

Doanh nghiệp từ cỡ vừa đến cỡ lớn họ sẽ lựa chọn gói thầu phù hợp với năng lực của mình để tham gia. Tất nhiên, các dự án sẽ không chia quá nhỏ gói thầu để các nhà thầu quá ít năng lực, kinh nghiệm có thể vào được dự án. Nguyên tắc là như vậy”.

Lãnh đạo một nhà thầu từng thi công nhiều dự án đường cao tốc tại Việt Nam khẳng định, quy định tối đa không quá 3 thành viên trong liên danh và việc phân tách quy mô các gói thầu được Bộ GTVT quy định trong hồ sơ mời thầu 3 dự án cao tốc Bắc - Nam là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

“Đưa ra quy định này, chắc chắn Bộ GTVT đã nhìn thấy vấn đề tồn tại ở các dự án trước đây khi chia quá nhỏ gói thầu và có quá nhiều nhà thầu trong một liên danh. Kinh nghiệm thực tế của chúng tôi cho thấy, một gói thầu có quá nhiều nhà thầu trong liên danh vô cùng phức tạp, liên danh rơi vào cảnh cha chung không ai khóc, không ai nói được ai và lúc quy trách nhiệm cũng gặp vô vàn khó khăn.

Đây là dự án cao tốc Bắc - Nam, công trình trọng điểm quốc gia chứ không phải đường làng ngõ xóm nên Bộ GTVT quy định như vậy là phù hợp”, vị này nói.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên chuyên gia cao cấp của JICA cho rằng, việc phân chia quy mô các gói thầu và quy định số lượng thành viên trong liên danh tùy thuộc vào nhu cầu và tình hình thực tiễn của mỗi dự án để cơ quan thẩm quyền quyết định.

“Quan trọng nhất là tiến độ và chất lượng dự án phải đảm bảo, đặc biệt cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia. Quan điểm của tôi là có thể chia dự án thành nhiều gói thầu xây lắp nhưng gói thầu tư vấn giám sát không nên chia nhỏ và phải chọn được đơn vị tư vấn giám sát có chất lượng để họ quán xuyến từ đầu đến cuối dự án”, ông Đức nói.

Một điểm mới nữa trong hồ sơ mời thầu 3 dự án là tiêu chí về tạm ứng hợp đồng, nhà thầu phải mở tài khoản chuyên chi. Theo đó, nhà thầu sử dụng tài khoản tạm ứng hợp đồng phải có sự xác nhận của ban quản lý dự án, lúc đó mới được xuất tiền. “Quy định này nhằm kiểm soát nguồn tiền tạm ứng từ dự án và toàn bộ nguồn tiền tạm ứng này sẽ chỉ để phục vụ thi công cho gói thầu, nhà thầu không được sử dụng vào các mục đích khác”, ông Tiến nói.

Chủ động mời công an, thanh tra, kiểm toán ngay từ đầu

Đối với dự án trọng điểm như cao tốc Bắc- Nam, việc chọn được nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm,
công trình sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Để lọt những nhà thầu yếu kém sẽ để lại hậu quả khôn lường
(Trong ảnh: Đoạn tuyến dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn phía Nam tỉnh Quảng Trị đang được nhà thầu thi công)

Hiện, các tổ chuyên gia đấu thầu của hai Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 đang vận hành hết công suất, không quản ngày đếm để tổ chức công tác chấm thầu nhằm sớm lựa chọn ra những nhà thầu tốt nhất. Tại trụ sở Ban QLDA Thăng Long, hai phòng họp rộng hàng chục m2 trước đây là phòng họp nay đã được trưng dụng để dành riêng cho hai tổ chuyên gia đấu thầu hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, 9 gói thầu của hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 (5 gói) và Phan Thiết - Dầu Giây (4 gói) được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ (hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính).

“Chúng tôi có 2 tổ chuyên gia về đấu thầu, mỗi tổ gồm 7 thành viên, tất cả đều có chứng chỉ hành nghề về đấu thầu. Trong quá trình tổ chức chấm thầu, công tác bảo mật được thực hiện rất chặt chẽ”, ông Huấn nói và cho biết, trong phòng chấm thầu được lắp đặt camera theo dõi, người không thuộc tổ chấm thầu đều không được vào.

Đề cập đến công tác hậu kiểm sau đấu thầu, ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, trong giai đoạn đấu thầu thì “án tại hồ sơ”, tức là khi chấm thầu, tất cả đều đánh giá dựa trên hồ sơ đề xuất của nhà thầu. Trong quá trình đánh giá hồ sơ thầu, tổ chấm thầu cảm thấy nghi ngờ số liệu có thể yêu cầu nhà thầu chứng minh.

“Trường hợp nhà thầu khai gian trong hồ sơ, không đúng sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị loại khỏi dự án. Thậm chí, nếu việc kê khai của nhà thầu làm sai lệch kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu còn bị cấm tham gia đấu thầu từ 3 - 5 năm”, ông Tiến nói.

Đặc biệt, để triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đảm bảo công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, ngày 4/9/2020, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Công an và đề nghị cơ quan này chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ phối hợp và hỗ trợ Bộ GTVT trong quá trình triển khai thực hiện dự án, từ công tác GPMB, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu trong suốt quá trình thi công.

Tiếp đó, ngày 7/9/2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng ký ban hành hai văn bản gửi Thanh tra Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ đưa vào kế hoạch thanh tra; gửi Kiểm toán Nhà nước đề nghị đưa vào kế hoạch kiểm toán Nhà nước đối với dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông ngay từ khi triển khai thực hiện dự án.

Theo PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), phải có cơ chế kiểm soát sau đấu thầu. Để lựa chọn được các nhà thầu xây lắp tốt nhất, trước hết, bên mời thầu cần công khai, minh bạch về danh tính các nhà thầu tham gia dự thầu và các tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, tài chính… trong hồ sơ mời thầu.

Trong quá trình đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, tài chính của nhà thầu, ngoài hồ sơ đề xuất của nhà thầu cần có sự đối chứng với thực tiễn, đó là các sản phẩm cụ thể, máy móc, thiết bị cụ thể chứ không chỉ căn cứ vào năng lực trên “giấy”. Theo quy định, hiện nay, chấm thầu căn cứ theo hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Tuy nhiên, khi bên chấm thầu cảm thấy nghi ngờ về các số liệu trong hồ sơ dự thầu cần phải kiểm tra thực tế ngay. Trước đây, đã xảy ra tình trạng nhiều nhà thầu đi “mượn” năng lực của đơn vị khác để mang đi đấu thầu, sau khi đấu thầu xong thì họ trả lại.

Điều quan trọng bây giờ là phải có cơ chế kiểm soát sau khi đấu thầu. Bởi, đôi khi chúng ta làm công tác đấu thầu rất công phu, bài bản, tốn nhiều thời gian nhưng không có cơ chế kiểm soát hậu đấu thầu thì rất dễ dẫn tới những hệ lụy khôn lường.

Sau đấu thầu, bắt tay vào triển khai thực tiễn mới là quan trọng, bên mời thầu phải kiểm tra chặt chẽ xem năng lực trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu về thiết bị, máy móc, nhân lực có đúng không. Tôi còn nhớ trước đây làm hầm Hải Vân, tư vấn giám sát người Mỹ đã phải đến tận nơi xem năng lực của từng chỉ huy trưởng công trường, nhân lực, thiết bị của nhà thầu thi công. Nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện quy trình như thế, trước khi triển khai ngoài công trường họ đều đánh giá năng lực của các nhà thầu, soi xét lại hồ sơ dự thầu xem có đúng thực tế không? Nếu không đúng là họ mời nhà thầu ra khỏi công trường ngay và thay thế bằng nhà thầu kế tiếp.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, tiêu chí đấu thầu cao tốc: Vừa đặc thù vừa phổ quát.

Tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo có 4 gói thầu xây lắp đã mở thầu. Có 16 liên danh với khoảng 35 nhà thầu tham gia đấu thầu. Dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10 Ban 7 sẽ hoàn thiện chấm thầu đối với 4 gói thầu trên.

Việc xây dựng các tiêu chí đấu thầu đường cao tốc vừa đặc thù nhưng cũng phổ quát. Các nhà thầu phải đáp ứng được hai tiêu chí là về tài chính và chuyên môn.

Cụ thể, tại dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Ban 7 xây dựng các tiêu chí, sau đó trình các Cục, Vụ thẩm định và Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ mời thầu. Tinh thần chung là tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp có cơ hội tham gia thi công, nhưng cũng có những tiêu chí đặc thù để phù hợp với việc thi công đường cao tốc.

Trong các tiêu chí, yếu tố quan trọng đầu tiên là vấn đề tài chính của các doanh nghiệp, bởi nếu nhà thầu không có tài chính tốt, khi tham gia dự án có thể “gãy” giữa chừng.

Trong khi đó, yếu tố kỹ thuật lại được xây dựng với những tiêu chí khá phổ quát. Chẳng hạn nhà thầu phải có các thiết bị chủ lực phục vụ thi công đường cao tốc. Nhưng các thiết bị này không bắt buộc phải là chủ sở hữu mà có thể thuê đơn vị khác. Hay như các tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tương tự, chỉ yêu cầu nhà thầu đã từng hoàn thành tối thiểu 1 hợp đồng thi công xây dựng công trình đường bộ cấp I trở lên; hoặc tối thiểu hoàn thành 2 hợp đồng công trình cấp II… Đây là điểm mở cho các nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu cao tốc.

Tuy vậy, cũng có những tiêu chí đưa ra mang tính chất sàng lọc để chọn ra những nhà thầu uy tín. Chẳng hạn, về uy tín của các nhà thầu, tiêu chí yêu cầu nhà thầu không có hợp đồng bị chủ đầu tư kết luận chậm tiến độ hoặc vi phạm chất lượng. Nhà thầu nào kê khai không trung thực sẽ bị trừ điểm khi chấm hồ sơ.

 

Nguồn: Báo Giao thông