Khánh thành Cảng quốc tế Long An, có thể tiếp nhận tàu 70.000 tấn

Ngày 28/09/2020
Cảng Quốc tế Long An vừa khánh thành giai đoạn 1, khởi công giai đoạn 2 vào sáng 26/9. Đây là một trong những cảng quốc tế có chiều dài bờ cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay (2,6km), chủ đầu tư là Đồng Tâm Group (DTG). Đây là cảng cửa ngõ TP.HCM nối với 13 tỉnh ĐBSCL. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo các bộ ngành đã tham dự sự kiện.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể  
cắt băng khánh thành Cảng quốc tế Long An

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhìn nhận: Cảng Quốc tế Long An không chỉ là cảng vận chuyển hàng hoá mà quan trọng hơn, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế động lực phía Nam và toàn ĐBSCL.

Các đồng chí lãnh đạo  tham quan Cảng quốc tế Long An

Cảng Quốc tế Long An nằm tại huyện Cần Giuộc, trên luồng sông Soài Rạp, có vị trí tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, là cửa ngõ nối TP.HCM với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cách cửa biển Đông 20 km đường sông, cách phao số 0: 45km, cách trung tâm TP.HCM 38-40km theo đường QL50.

Toàn cảnh Cảng Quốc tế Long An

Cảng Quốc tế Long An là 1 dự án do DTG làm chủ đầu tư, chính thức xây dựng từ năm 2015, nằm trong quần thể gồm 4 khu dự án với tổng quy mô 1.935 ha, bao gồm: Cảng Quốc tế Long An, KCN Đông Nam Á Long An, Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An và Khu đô thị Đông Nam Á Long An.

Xe container, xe tải vào bốc dỡ hàng hoá tại Cảng Quốc tế Long An

Cảng Quốc tế Long An với diện tích 147ha, được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Cảng có 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu Cầu cảng số 1 đến cuối Cầu cảng số 7 là 1.670m; gồm 07 bến sà lan; hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; hệ thống bãi container và các công trình phụ trợ khác…

Riêng diện tích kho phục vụ lưu trữ tại cảng là hơn 400.000m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản, phân bón, sắt thép… của khu vực ĐBSCL và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ, tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.

Cảng quốc tế Long An bao gồm khu liên hợp các khu công nghiệp, khu dịch vụ công nghiệp, khu đô thị và các khu dịch vụ cảng biển, lưu trú...

Bốc dỡ hàng hoá tại cảng

Cho đến cuối năm 2019, trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác, Cảng Quốc tế Long An đã đón gần 1.000 chuyến tàu trong và ngoài nước ra vào cảng, đạt gần một triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng. Đáng chú ý nhất, cảng đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng 50.000 DWT. Năm 2020, cảng QTLA tiếp tục xây dựng cầu cảng số 4, số 5, mục tiêu sớm đưa vào khai thác trong năm 2021.

Ngày 26/9, Cảng Quốc tế Long An chính thức khánh thành Giai đoạn 1, động thổ xây dựng cầu cảng số 6 & số 7 đón được tàu có trọng tải lên đến 70,000 DWT, ký kết Hợp tác Chiến lược với các Cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8 & 9 có công suất thiết kế xây dựng đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT; nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368m, trở thành một trong những cầu cảng Quốc tế có chiều dài bờ cảng lớn nhất VN hiện nay. Quy mô công suất hàng hóa thông quan đạt khoảng 80 triệu tấn/năm.

Cảng Quốc tế Long An được đầu tư bởi Đồng Tâm Group, thương hiệu có hơn 50 năm hình thành và phát triển, đã khẳng định được vị thế của mình ở thị trường nội địa và quốc tế. Mạng lưới hoạt động của DTG phủ rộng với 14 công ty thành viên, 8 nhà máy, 27 chi nhánh, 70 showroom và kho hàng, 2.500 cửa hàng trên toàn quốc.

Trong chiến lược phát triển đa ngành, DTG tiếp tục đầu tư, thúc đẩy những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như vật liệu xây dựng, bất động sản, khu công nghiệp, khu đô thị…

Nguồn: Báo Giao thông