Đường mới về Đèo Bụt

Ngày 23/10/2020
“Con đường được đổ bê tông sẽ giúp việc đi lại thuận lợi hơn; cây keo, cây phấn bán được giá như các xóm khác; con lợn, con gà chăn nuôi ra bán sẽ có lãi...”, đó là những tâm sự của người dân trong xóm Đèo Bụt, xã Hợp Tiến (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) khi tuyến đường trục chính của xóm dài 5km được đầu tư xây dựng.

Con đường đất nhỏ hẹp của xóm Đèo Bụt đang dần được thay bằng con rộng rãi hơn.

Xóm Đèo Bụt cách trung tâm xã hơn 7km, 133 hộ dân với 547 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc Dao. Hiện, xóm vẫn còn 27 hộ nghèo và 50 hộ cận nghèo. Thu nhập của người dân năm 2019 chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm. Mặc dù có diện tích đất sản xuất lớn (trên 400ha), có lợi thế giao thương hàng hoá khi xóm nằm tiếp giáp với huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) và huyện Phú Bình nhưng trong những năm qua giao thông đã trở thành rào cản đối với việc phát triển kinh tế gia đình của bà con nơi đây.

Con đường trục chính của xóm hễ cứ có mưa là gần như bị cô lập, trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Từ đó đã khiến xóm Đèo Bụt “chậm tiến” hơn so với các xóm khác của xã. Đời sống kinh tế của bà con chủ yếu là làm nông, lâm nghiệp nhưng giao thông đi lại khó khăn nên chi phí vận chuyển tăng cao, khiến cho các loại nông sản làm ra của người dân có giá bán thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Theo người dân mỗi khối gỗ keo bán luôn thấp hơn so với các xóm khác từ 50.000-100.000 đồng; 1kg cây phấn chỉ được 500 đồng, thấp hơn 200 đồng; còn đối với gia súc, gia cầm nếu bán thì lỗ bởi chi phí mua thức ăn cao gấp rưỡi so với giá thị trường....

Tuy nhiên, về Đèo Bụt những ngày này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây khi con đường trục chính của xóm đang được xây dựng với kinh phí trên 10 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Ông Triệu Như Vượng, năm nay gần 60 tuổi không giấu nổi niềm vui trên khuôn mặt, ông cho biết: Con đường được xây dựng là niềm mong mỏi từ nhiều năm của người dân chúng tôi. Có đường các cháu đi học, người dân đi lại đỡ vất vả, nhất là vào mùa mưa. Còn bà Triệu Thị Đang, một trong những hộ dân hiến đất nhiều nhất của xóm tâm sự: Con đường được xây dựng không chỉ góp phần giúp cho bộ mặt của xóm thêm khang trang, sạch sẽ hơn mà gia đình sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế nên khi làm đường qua đất cấy lúa, đất trồng keo gia đình đã tự nguyện hiến khoảng 500m2 đất để tạo điều kiện về mặt bằng giúp đẩy nhanh tiến độ thi công đường.

Anh Triệu Văn Minh, Trưởng xóm Đèo Bụt cho biết: Đây là con đường quan trọng đối với việc đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong xóm. Vì vậy khi triển khai xây dựng người dân sinh sống và có đất 2 bên đường phấn khởi, tình nguyện hiến đất thổ cư, đất lúa và đất rừng. Đã có 55 hộ hiến trên 4.000m2 đất. Mặc dù con đường vẫn đang được xây dựng nhưng đã thuận lợi trong việc đi lại vì thế một số hộ dân trong xóm bắt đầu chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng hàng chục con mỗi đàn.

Ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Là xóm có diện tích rộng, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên xã xác định chỉ có làm đường giao thông mới tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế. Và hơn nữa, nó còn là tiền đề để đưa được các mô hình kinh tế, mô hình giảm nghèo đến với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Hiện nay tuyến đường đã cơ bản được đổ xong cấp phối, từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nguồn: Báo Thái Nguyên