Đột phá đào tạo lái xe bằng công nghệ thực tế ảo

Ngày 02/11/2020
Với sự phát triển của công nghệ thực tế ảo, người học lái đã có thể trải nghiệm những tình huống giao thông ngay từ khi được đào tạo.

Một lớp đào tạo lái xe bằng thiết bị thực tế ảo và mô phỏng tại Trung Quốc

Trước đây, chỉ khi thực sự tham gia giao thông, người lái xe mới có cơ hội để chứng kiến và thao tác xử lý những tình huống bất ngờ, dễ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, nhất là thực tế ảo (VR), người học lái đã có thể trải nghiệm ngay từ khi được đào tạo.

Phá bỏ những hạn chế

Công nghệ thực tế ảo (VR) và thiết bị mô phỏng xe ô tô... là những công nghệ tiên tiến phổ biến nhất đang được ứng dụng vào đào tạo bằng lái xe trên toàn thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Singapore… Qua đó, các trung tâm đào tạo có thể phá bỏ những hạn chế trong đào tạo như điều kiện thời tiết, cơ sở vật chất, nâng cao nhận thức về rủi ro tai nạn cho người học.

Chẳng hạn, học viên sẽ được trải nghiệm những tình huống nguy hiểm bất ngờ trên đường qua thiết bị thực tế ảo và luyện phản xạ, cách xử lý qua mô hình ô tô mô phỏng.

Ở một số nước như Mỹ, ngoài mục đích cải thiện an toàn, đây còn là cách để tiết kiệm tiền cho người học. Họ sẽ bớt được chi phí lên tới hàng nghìn USD thuê xe thật để học.

Bên cạnh đào tạo, nhiều cơ quan cấp bằng lái còn sử dụng VR trong công tác sát hạch cấp bằng. Chẳng hạn, Vương quốc Anh có bài kiểm tra như chiếu video tình huống qua kính VR và học viên phải xác định những mối hiểm họa có thể xảy ra, đồng thời đưa ra phương án phản ứng. Cơ quan chức năng của nước này đang tiếp tục bổ sung thêm nhiều video bao hàm nhiều kiểu thời tiết, điều kiện đường bộ vào kho bài kiểm tra.

Không phải chỉ những quốc gia đã phát triển và có nền tảng kỹ thuật cao như Mỹ hay châu Âu, mà ngay tại châu Á, rất nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ cao trong đào tạo và sát hạch bằng lái xe, gần đây nhất là Singapore. Từ tháng 12/2019, quốc đảo sư tử chính thức bắt buộc người học lái xe phải tập lái trên thiết bị mô phỏng.

Hiện tại cả 3 trường đào tạo lái xe lớn nhất ở quốc gia này đã cập nhật công nghệ lái xe bằng thiết bị mô phỏng. Học viên sẽ phải chịu chi phí đào tạo tăng ít nhất 60 đô la Singapore.

Cô Ang Hwee Min, một nhà báo Singapore, người đã có dịp trải nghiệm học lái xe trên thiết bị hiện tại đại này cho biết: “Áp dụng đào tạo công nghệ cao sẽ giúp người học lái có cơ hội được trải nghiệm và biết cách xử lý khi gặp 10 vấn đề thường xuyên gây tai nạn, thay vì để họ ra đường khi không biết thực tế phức tạp như thế nào. Qua đó, người học có thể nắm bắt những tình huống nguy hiểm khác nhau qua thiết bị mô phỏng, dựa trên 10 nguyên nhân gây tai nạn giao thông phổ biến nhất”.

Phó giám đốc Cảnh sát Singapore, ông Liew Mei Hui cho biết: “Chúng tôi hy vọng, hoạt động này sẽ chuẩn bị cho người học phản ứng tốt hơn khi họ đối mặt với những tình huống nguy hiểm và rủi ro trên đường”.

Cơ sở đào tạo lái xe thông minh đầu tiên trên thế giới

Trung Quốc là một quốc gia khác tại châu Á đang áp dụng rộng rãi công nghệ VR vào đào tạo lái xe ô tô. Giữa thị trường đầy cạnh tranh này, các công ty đua nhau cập nhật những công nghệ mới nhất như công nghệ thực tế ảo, hướng dẫn viên robot giảng bài qua video và audio…

Từ tháng 10 năm ngoái, Bắc Kinh đưa vào ứng dụng cơ sở đào tạo lái xe thông minh đầu tiên trên thế giới, sử dụng thiết bị mô phỏng kết hợp cả công nghệ 5G và VR. Qua thiết bị thực tế ảo, người học có thể nhìn một số mô hình lái xe được mô phỏng và nghe âm thanh ô tô trong khi thực hành đa dạng các kỹ thuật lái xe khác nhau.

Tại trường lái xe Goxueche ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, học viên có thể luyện khả năng lái xe trong điều kiện thời tiết xấu, dưới nhiều tình huống khẩn cấp như va chạm từ phía sau, nổ lốp, thông qua công nghệ VR.

“Áp dụng VR và robot vào đào tạo có thể giúp tăng đáng kể hiệu quả dù vẫn tồn tại một số lỗi”, ông Qin Lei, Giám đốc điều hành Goxueche cho hay.

Theo Công ty Đào tạo lái xe Tiên phong Đông Phương, một trong những công ty đầu ngành của Trung Quốc, công nghệ VR sẽ giúp các trường đào tạo có thể duy trì hoạt động bất chấp những hạn chế về thời tiết, thời gian, địa điểm và không gian. Chưa kể, nó còn giúp giảm tác động tiêu cực từ hoạt động đào tạo của người lái đối với môi trường, hao mòn ô tô và tiết kiệm chi phí quản lý, lao động.

Nhờ những cải tiến mới, các trường đào tạo lái xe tại đại lục còn giải quyết được vấn đề quá tải. Các trường dạy lái như Fengshun ghi nhận tới 10.000 lái xe mới/năm, vận hành các lớp học suốt từ 8-21h trong 7 ngày/tuần.

Nguồn: Báo Giao thông