Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Đường sắt đô thị sẽ đột phá giải quyết ùn tắc"

Ngày 03/11/2020
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ở phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Sáng nay (3/11), kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Giải trình về một số ý kiến đại biểu về lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, xây dựng cơ bản trong năm 2020 đã đạt được kết quả tốt nhất trong 5 năm nhiệm kỳ này.

“Tính đến 30/10/2020, theo số lượng thống kê, cả nước đã giải ngân được 60% số vốn được bố trí. Riêng ngành GTVT được bố trí gần 40 nghìn tỷ trong năm 2020, đến nay (ngày 30/10), Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 29 nghìn tỷ (chiếm hơn 73%), cao hơn bình quân cả nước 10%”, Bộ trưởng Thể nói.

Theo Bộ trưởng, có được kết quả này là do Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là các địa phương đã vào cuộc giúp Bộ GTVT trong công tác giải phóng mặt bằng. Kết quả đạt được trong năm 2020 là bài học quý báu để năm 2021 và nhiệm kỳ tiếp theo chúng ta thực hiện tốt hơn.

Tại phiên thảo luận, Tư lệnh ngành GTVT cũng nhấn mạnh, đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại, giúp tránh ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn trên thế giới.

“Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội đã làm chủ đầu tư nhiều dự án đường sắt đô thị, tuy nhiên trong thời gian vừa qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là việc chậm tiến độ. Vấn đề này đã được Chính phủ chỉ đạo rất nhiều, các thành phố và Bộ GTVT cũng họp rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và cho biết, qua các dự án này, chúng ta cũng rút ra những bài học hết sức sâu sắc liên quan đến việc quy hoạch, quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu...

“Đường sắt đô thị là hướng đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn. Việc này cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội để chúng ta bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh hơn và tốt hơn”, Bộ trưởng Thể nói và khẳng định những ý kiến của Đại biểu Quốc hội, cử tri, Bộ GTVT xin tiếp thu, sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn để các dự án mới tránh được tình trạng như hiện nay.

Về giao thông đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là vấn đề Chính phủ hết sức quan tâm trong thời gian qua.

“Hiện nay Bộ GTVT đã cho triển khai nghiên cứu 7 đường cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu thì nhiều nhưng chúng ta tập trung ở những đoạn, những tuyến, khu vực để đầu tư trong 5 năm tới”, Bộ trưởng Thể nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội hết nhiệm kỳ tới có thể nâng tỷ lệ đường cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long. Gần nhất là tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, đặc biệt là đường cao tốc từ Cần Thơ đi Cà Mau - đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ.

“Nếu không đầu tư cao tốc thì rất khó thu hút đầu tư, do đó chúng tôi đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể. Rất mong Đại biểu Quốc hội ủng hộ để chúng ta hình thành hệ thống giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, qua đó đánh thức tiềm năng phát triển khu vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng đường sắt đô thị sẽ chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả nếu gắn kết với không gian đô thị. Phát triển đường sắt đô thị là tất yếu.

“TP HCM và Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ, thành những siêu đô thị với 10 triệu dân có nhiều nét tương đồng. Tăng dân số cơ học mỗi năm tại 2 thành phố này khoảng 200.000 người, gây áp lực lớn đến hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Đây là điểm nghẽn phát triển bền vững của 2 thành phố. Trong bối cảnh này, đường sắt đô thị được xem là cứu cánh, cũng như vừa mang tính then chốt”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, về khả năng tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị do các nhà tài trợ khác nhau cho nên công nghệ, tiêu chuẩn cũng khác nhau. Do vậy, việc tích hợp công nghệ toàn mạng rất khó khăn. Ông Thường đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân kiểu TP Tokyo (Nhật Bản), để nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư đường sắt đô thị và hưởng lợi từ việc phát triển không gian đô thị, khai thác quỹ đất khu vực nhà ga dọc các tuyến còn dư địa.

Nguồn: Báo Giao thông