Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh, vấn đề giải quyết tồn tại về lồng ghép giới
hay bình đẳng giới trong lĩnh vực GTVT có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đặc thù ngành GTVT là một ngành kinh tế kỹ thuật, phạm vi hoạt động phân tán, lưu động trên khắp địa bàn cả nước, có tính chất công việc nặng nhọc. Tổng số cán bộ, CNVC-LĐ ngành GTVT có khoảng 150 ngàn người, trong đó nữ cán bộ, CNVC-LĐ chỉ chiếm khoảng 24%.
Những năm qua, với mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, ngành GTVT luôn đề cao vai trò phụ nữ trong các cơ quan, đơn vị và trong lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT, hướng đến mục tiêu chung là "nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng; nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội".
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện còn một khoảng trống khá lớn giữa kỳ vọng và kết quả thực tế. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với ngành GTVT trong việc tăng cường thực hiện công tác bình đẳng và lồng ghép giới.
“Nhận thức rõ được những khó khăn thách thức, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ GTVT giai đoạn 2016 - 2020 với 7 mục tiêu cụ thể”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và cho biết thêm, sau một thời gian triển khai kế hoạch, công tác cán bộ nữ đã từng bước thu được kết quả tích cực và xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ có trình độ cao hơn trước, trong đó tỷ lệ nữ 14,4% giữ chức vụ lãnh đạo tại Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ, 21,0% (116/552) nữ quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo nhiệm kỳ tới. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật do nữ chủ trì hoặc tham gia đạt kết quả tốt; nhiều sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, giảng dạy ở nhà trường. Ngoài ra, DFAT và Ngân hàng Thế giới cũng đã hỗ trợ Bộ GTVT xây dựng Bộ Công cụ và Hướng dẫn trong việc đánh giá và giám sát các vấn đề về giới trong các dự án đầu tư GTVT.
“Tiếp theo các nội dung, vấn đề về phát triển bền vững, giải quyết tồn tại về lồng ghép giới hay bình đẳng giới trong lĩnh vực GTVT, việc tổ chức chuỗi hội thảo là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá và đề nghị hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ các nhóm vấn đề, nội dung cụ thể.
Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Barnes cho biết, Australia ưu tiên hợp tác giúp đưa bình đẳng giới vào chính sách của ngành GTVT
Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Phó Đại sứ Andrew Barnes cho rằng, hội thảo xây dựng và ghi nhận những tiến bộ đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong việc tăng cường khung pháp lý để hỗ trợ bình đẳng giới nói chung và tiến bộ của Bộ GTVT trong việc thực hiện Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng.
“Thời gian tới, chúng tôi ưu tiên hợp tác giúp đưa bình đẳng giới vào chính sách của ngành GTVT, thiết kế và thực hiện dự án như tại chương trình giao thông Aus4. Chúng tôi đang kết hợp các thành phần của chiến lược bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, đi sâu vào chi tiết thiết kế, tài liệu của các dự án cơ sở hạ tầng lớn để hỗ trợ cải thiện chính sách, hướng dẫn và triển khai trong Bộ GTVT”, Phó Đại sứ nói.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, để đạt được sự di chuyển bền vững,
giới phải được công nhận là một khía cạnh quan trọng của quản trị vận tải
Cũng tại Hội thảo, theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để đạt được sự di chuyển bền vững, giới phải được công nhận là một khía cạnh quan trọng của quản trị vận tải. Việc giải quyết các nhu cầu khác nhau của phụ nữ với tư cách là người sử dụng, vận hành và ra quyết định là điều cần thiết để đạt được sự di chuyển bền vững.
“Tôi hy vọng các đại biểu sẽ cân nhắc những ý tưởng trong các cuộc thảo luận cũng như hoàn thiện Kế hoạch hành động tiếp theo của Bộ GTVT về bình đẳng giới, chương trình đào tạo về giới của trường quản lý GTVT và sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.”, bà Carolyn Turk nói.
Các đại biểu nghe hướng dẫn, thảo luận nhiều nội dung về lồng ghép giới trong các dự án GTVT
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe hướng dẫn, thảo luận các nội dung như: Các khái niệm căn bản như giới, giới tính, bình đẳng giới, công bằng giới, khoảng cách giới, lồng ghép giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; Các tiếp cận của các tổ chức quốc tế bao gồm Ngân hàng Thế giới về vấn để giới trong các dự án trong lĩnh vực GTVT; Quản lý Nhà nước và khung pháp lý về bình đẳng giới cũng như đánh giá tầm quan trọng của việc đưa giới vào các giám sát và đánh giá ở các chương trình, và chính sách GTVT; Xây dựng hành động và kế hoạch triển khai về lồng ghép giới…
H.N