Sử dụng đá đôlômit trong xây dựng đường ô tô ở Ninh Bình và những vấn đề đặt ra

Ngày 20/05/2020
Công trình nghiên cứu của nhóm tác giả GS.TS. Phạm Huy Khang,TS. Nguyễn Trọng Hiệp, Trường Đại học Giao thông vận tải và ThS. NCS. Bùi Tiến Thành, Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình làm rõ hơn chỉ tiêu cơ bản của loại vật liệu này, đồng thời đưa ra những đánh giá ban đầu về tiềm năng khai thác sử dụng trong xây dựng nền mặt đường ô tô tại Ninh Bình.

Ảnh minh họa

Đôlômit là một loại vật liệu được sử dụng khá phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực xây dựng đường ô tô như làm các lớp móng mặt đường, làm cốt liệu bê tông và bê tông nhựa... Tại Việt Nam, Ninh Bình là địa phương có trữ lượng đôlômit lớn, đã được sử dụng tại một số dự án xây dựng công trình đường ô tô trên địa bàn tỉnh và bước đầu cho kết quả khả quan. Bài báo trình bày một số chỉ tiêu cơ bản của loại vật liệu này, đồng thời đưa ra những đánh giá ban đầu về tiềm năng khai thác sử dụng trong xây dựng nền mặt đường ô tô tại Ninh Bình.

Nằm ở vị trí cực Nam của đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội 93km, Ninh Bình đóng vai trò là đầu mối giao thông cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc bộ với nhiều tuyến đường bộ quan trọng (các tuyến đường cao tốc, quốc lộ) và đường sắt Bắc - Nam chạy qua (đoạn chạy qua Ninh Bình dài 21,6km, với 4 ga hành khách và hàng hóa). Do đặc điểm địa hình thuận lợi của Ninh Bình nằm trên địa bàn trung chuyển của vùng núi Tây Bắc qua đồng bằng châu thổ sông Hồng ra biển Đông nên mạng lưới giao thông quốc gia bao gồm các trục QL1, QL10, QL12B, QL38B, QL45 được hình thành theo trục dọc, trụcngang xuyên suốt tỉnh và các trục đường tỉnh liên kết với các huyện.

Theo thống kê đến năm 2012, mạng lưới đường bộ bao gồm các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng. Tổng cộng chiều dài đường hiện có khoảng 1.972km (không bao gồm đường thôn xóm). Mật độ đường của tỉnh Ninh Bình đạt 1,24 km/km2 và 1,92 km/1.000 dân, cao hơn mật độ đường km/km2 so với cả nước (0,77 km/km2 ; 2,94 km/1.000 dân) và thấp hơn mật độ đường km/1.000 dân so với khu vực vùng đồng bằng sông Hồng (1,90 km/ km2 ; 1,72 km/1.000 dân). Về mặt đường, nhìn chung các loại mặt đường nhựa và bê tông xi măng được sử dụng khá phổ biến (71,74%), tuy nhiên các loại mặt đường cấp thấp như mặt đường đá dăm, cấp phối (23,77%), gạch đất (4,5%) còn chiếm tỷ lệ khá lớn.

Với hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, tỉnh Ninh Bình cần liên tục phát triển hoàn thiện mạng lưới đường bộ thuộc địa bàn tỉnh nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo quy hoạch đến năm 2030, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh cần xây mới, cải tạo nâng cấp một loạt các tuyến đường cao tốc (khoảng 43,8km), quốc lộ (khoảng 230km), tỉnh lộ (khoảng 500km), đường vành đai đô thị (khoảng 110km). Bên cạnh đó là hệ thống đường đô thị và đường giao thông nông thôn (khoảng 3.000km) cũng cần được hoàn thiện nhằm phục vụ nhu cầu đi lại nội bộ. Nhìn chung, khối lượng xây dựng hạ tầng mạng lưới đường bộ là rất lớn.

Sau khi tách ra khỏi tỉnh Hà Nam Ninh và tái thành lập (tháng 12/1991), tình hình kinh tế - xã hội của Ninh Bình đã liên tục được củng cố và phát triển, với tốc độ tăng trưởng khá nhanh và bền vững. Với việc đẩy mạnh đầu tư khai thai vào các thế mạnh, cơ cấu kinh tế của tỉnh liên tục dịch chuyển theo hướng hiện đại, với các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (trên 80%). Hiện nay, với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng được UNESCO công nhận, Ninh Bình được xác định là trung tâm văn hóa lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế của cả nước. Ngoài ra, các mỏ đá vôi, đất sét có chất lượng cao, trữ lượng lớn, là điều kiện rất thuận lợi cho các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là sản xuất xi măng. Có thể thấy, công tác bảo tồn các di sản văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên đá vôi phục vụ du lịch, đồng thời là nguồn nguyên liệu quý cho các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững.

Trong bối cảnh nhiệm vụ xây dựng phát triển hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường ô tô trên phạm vi tỉnh phục vụ phát triển kinh tế đang được triển khai cấp bách, trong khi vẫn phải bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đá vôi quý giá phục vụ phát triển công nghiệp, việc nghiên cứu khai thác đôlômit thay thế cho các loại vật liệu có nguồn gốc đá vôi truyền thống trong xây dựng các tuyến đường ô tô trên địa bàn tỉnh là một hướng đi đúng đắn, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao.

* Trên thế giới, đôlômit là một loại vật liệu được sử dụng khá phổ biến trong xây dựng nền mặt đường [4]. Đôlômit Ninh Bình có trữ lượng lớn, có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng được tiêu chí là vật liệu sử dụng làm nền mặt đường ô tô. Thực tế sử dụng đôlômit trong xây dựng nền đường tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bước đầu cho kết quả rất khả quan. Để nâng cao hiệu quả sử dụng, việc tiến hành các nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về loại vật liệu này nhằm thay thế cho các loại vật liệu truyền thống đang ngày càng trở nên khan hiếm là một hướng đi đúng đắn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong xây dựng phát triển hệ thống mạng lưới đường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Nguồn: Tap chí GTVT