Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng vừa phải siết chặt
công tác phòng, chống dịch năm Covid-19 vừa phải tăng cường đảm bảo ATGT
Hơn 50% người dán thẻ đã sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng
Thông tin tại buổi lễ, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các trạm thu phí không dừng trên cả nước đã được triển khai cơ bản đúng kế hoạch.
Trong đó, dự án giai đoạn 1 (BOO1) do Công ty TNHH VETC cung cấp dịch vụ gồm các trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc cơ bản hoàn thành với 40 trạm đã vận hành.
Dự án giai đoạn 2 (BOO2) đơn vị cung cấp dịch vụ là Công ty CP giao thông số Việt Nam (VDTC) - doanh nghiệp dự án của Vietel và các nhà đầu tư đã triển khai thực hiện các tạm thu phí còn lại trên toàn quốc, hiện đã lắp đặt và đưa vào vận hành 25 trạm.
Thông tin chi tiết về việc triển khai hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí, ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, tính đến ngày 10/12/2020. Hơn 1,1 triệu thẻ thu phí tự động đã được dán, trong đó có hơn 50% thẻ đã thường xuyên nạp tiền sử dụng.
Về tiến độ, thời điểm hiện tại, có 4 trạm trên 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý; 8 trạm không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai sau năm 2020 do đặc thù; 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 2 trạm chưa được thu phí, đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét (trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm QL51).
“Đối với các trạm do 16 địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với có 50 trạm thu phí, hiện, riêng tỉnh Cà Mau có 4 trạm thu phí chỉ thu phương tiện thô sơ và nội bộ tỉnh nên kiến nghị Thủ tướng không triển khai ETC. Còn lại, các dự án BOT của 15 địa phương gồm 46 trạm thu phí hiện đã có 40 trạm đã và đang tổ chức thu (33 đã lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động không dừng, 7 trạm đang triển khai hệ thống ETC), 6 trạm đang xây dựng, chưa tổ chức thu”, ông Thanh thông tin.
Cũng theo ông Thanh, do dịch vụ thu phí tự động không dừng do hai đơn vị cung cấp nên Bộ GTVT và Tổng cục đường bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thiện công tác liên thông hệ thống. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành việc liên thông về mặt kỹ thuật và hoàn thiện hồ sơ pháp lý, trước ngày 31/12/2020, khách hàng chỉ cần dán thẻ của một trong hai nhà cung cấp dịch vụ là có thể lưu thông qua các trạm thu phí trên toàn quốc đã triển khai.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền kêu gọi chủ xe dán thẻ thu phí tự động không dừng,
bảo đảm ATGT dịp lễ, Tết năm 2021.
Ưu tiên phòng chống dịch trong hoạt động vận tải dịp cao điểm
Liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT các ngày lễ, Tết, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, dịp cao điểm lễ, Tết năm nay sẽ khác năm trước là lực lượng chức năng và các đơn vị liên quan vừa phải đảm bảo an toàn, chất lượng dịch vụ, vừa phải siết chặt công tác phòng, chống dịch năm Covid-19.
“Môi trường vận tải là một trong những trọng điểm về nguy cơ lây lan dịch bệnh nói chung và Covid-19 nói riêng. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT, lực lượng chức năng và đơn vị quản lý các bến xe cần cương quyết không để lái xe, phụ xe và phương tiện không thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch được tham gia giao thông.
Tại các đầu mối bến xe, tất cả các lãnh đạo, nhân viên phải gương mẫu trong phòng dịch, tổ chức kiểm tra thân nhiệt của tất cả người ra vào khu vực bến. Thường xuyên kiểm tra việc quy định chống dịch của nhà xe trước khi xuất bến”, ông Khuất Việt Hùng nói và cho rằng, công tác phòng dịch phải được thực hiện nghiêm cho đến khi nào toàn dân được tiêm vacxin và dịch được kiểm soát.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ và Sở GTVT địa phương sẵn sàng phương án cứu hộ, giải tỏa khi xuất hiện sự cố tại những điểm nhạy cảm về giao thông, nhanh chóng giải quyết sự cố giải tỏa lòng đường. Trường hợp xảy ra TNGT, phải ưu tiên xử lý nhanh nhất vấn đề về phương tiện, con người để trả lại đường cho người dân lưu thông.
“Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các công trình duy tu, cải tạo, xây dựng, chỉnh trang hạ tầng giao thông phải kết thúc trước 31/01/2021, trả lại tối đa năng lực hạ tầng cho hoạt động GTVT”, ông Khuất Việt Hùng nói.
Toàn cảnh Lễ ra quân
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, nhằm đảm bảo trật tự ATGT trong các dịp cao điểm lễ, Tết năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu các cục rà soát toàn bộ biển báo hiệu đường bộ, bổ sung kịp thời, tăng cường lực lượng tổ chức giao thông hợp lý, có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố giao thông xảy ra.
Đồng thời, có phương án bố trí nhân lực ứng trực phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.
“Đối với hơn 500 bến xe trên cả nước, Tổng cục cũng đã chỉ đạo tất cả các bến xe có phương án phục vụ đối với xe tăng cường. Theo dự báo, lượng khách đến các bến xe sẽ ít có khả năng tăng đột biến”, Phó Tổng cục trưởng thông tin.