Hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, cần ưu tiên các cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm

Ngày 30/12/2020
Chiều 30/12, tại Hải Phòng, Bộ GTVT đã tổ chức Hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Nguyễn Nhật chủ trì với sự tham dự của trên 100 đại biểu đến từ các Bộ ngành, tỉnh, thành phố; các trường Đại học, Viện nghiên cứu; các Hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức tư vấn.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước
phát triển vượt bậc, cần ưu tiên phát triển các cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, năm 2000, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam chỉ đạt gần 82 triệu tấn, đến năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng, đạt hơn 680 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2019). Để có kết quả này, trong giai đoạn vừa qua, hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển đã được chú trọng phát triển. Có thể thấy rằng sau 20 năm quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt”, Thứ trưởng nói và cho biết thêm, đến thời điểm hiện nay, để điều chỉnh hệ thống cảng biển sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tăng và để đáp ứng vận tải đa quốc gia, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật mong rằng Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu

“Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một quy hoạch tổng thể. Đây là một quy hoạch rất cần thiết, tạo cơ sở triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành như quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển nhằm đảm bảo hệ thống cảng biển Việt Nam được phát triển liên tục theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta hội nhập sâu rộng và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đặc biệt trong quy hoạt cảng biển sắp tới cần ưu tiên phát triển các cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định và mong rằng Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu.  

Ông Lê Tấn Đạt báo cáo về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam
thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050

Ông Lê Tấn Đạt – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Công trình Hàng hải (CMB) đại diện liên danh tư vấn (Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Công trình Hàng hải, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Cảng - Đường thủy, Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT) cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tận dụng lợi thế vị trí địa lý điều kiện tự nhiên kết hợp khoa học, công nghệ để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam một cạch bền vững, toàn diện, hiện đại, đồng bộ hạ tầng phụ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn hệ thống, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Quy hoạch này kế thừa và phát huy thành quả của 20 năm xây dựng và tổ chức triển khai quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia, vừa bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết hợp di dời chuyển đổi công năng để đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống cảng biển; vừa đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số cảng biển và cụm cảng biển để trở thành đầu mối vận tải quan trọng trong nước và quốc tế, là trụ cột của kinh tế hàng hải, có vai trò thúc đẩy dịch vụ logistics, tạo thị trường vận tải nội địa để phát triển vận tải biển Việt Nam”, ông Lê Tấn Đạt cho biết.

Theo đó, thời gian sắp tới sẽ ưu tiên phát triển cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu; cảng cửa ngõ quốc tế tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với lộ trình phù hợp, tiếp nhận được tàu trọng tải lớn phù hợp xu thế phát triển đội tàu biển thế giới; phát triển các cụm cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng gồm: Cụm cảng Hải Phòng, Quảng Ninh; Cụm cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Đông Hồi (Nghệ An); Cụm cảng Đà Nẵng, Quảng Nam, Dung Quất (Quảng Ngãi); Cụm cảng Quy Nhơn (Bình Định) – Vân Phong (Khánh Hòa); Cụm cảng tp. Hồ Chí Minh – Cái Mép Thị Vải..

Để phù hợp với điều kiện phân vùng kinh tế xã hội hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thu gọn thành 5 nhớm cảng biển. Theo đó, nhóm cảng biển số 1 gồm cảng biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; Nhóm cảng số 2 từ các cảng biển Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; Nhóm cảng số 3 gồm cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; Nhóm cảng biển số 4 gồm cảng biển vùng Đông Nam Bộ và Nhóm cảng số 5 gồm các cảng biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ phát biểu

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện bộ ngành liên quan và đại diện các địa phương Hải Phòng, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... đã trao đổi, đóng góp ý kiến góp phần điều chỉnh, bổ sung xây dựng Quy hoạch sao cho phù hợp, phát huy hiêu quả các cảng biển.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết,
Cục sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết, Cục sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để chuẩn bị cho công tác thẩm định, trình duyệt quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ về hướng dẫn một số Điều của Luật Quy hoạch.

H.N