Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Diễn đàn rà soát, cập nhật tiến độ triển khai các dự án kêu gọi đầu tư
trong lĩnh vực giao thông trong khuôn khổ Khung đầu tư Tiểu vùng GMS 2018 – 2022...
GTVT là một trong lĩnh vực quan trọng và ưu tiên của hợp tác Tiểu vùng Mekong. Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB và sự tích cực, chủ động của Chính phủ các quốc gia GMS, hợp tác GTVT trong GMS đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng: Thống nhất thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng. Việc triển khai “Thu hoạch sớm” đã được thực hiện từ tháng 08/2018 với sự tham gia của các quốc gia: Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa qua lại biên giới giữa các quốc gia Tiểu vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội giữa các quốc gia. Riêng với Myanmar, dự kiến sẽ tham gia chính thức triển khai “Thu hoạch sớm” vào năm 2021.
Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng được thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của các quốc gia GMS và Khung Đầu tư Tiểu vùng GMS giai đoạn 2018 – 2022, 53 dự án cơ sở hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư 48,9 tỷ USD đã được triển khai, kêu gọi đầu tư theo nhiều hình thức và giai đoạn khác nhau. Đến nay, đã có 12 dự án với tổng mức đầu tư 641 triệu USD được hoàn thành và nhiều dự án quan trọng khác đang triển khai, ví dụ như: Dự án Đường cao tốc Pnôm-Pênh – Si-ha-núc Vin (Campuchia); Dự án Phát triển Kết nối đường bộ Vùng Vân Nam – Phổ Nhĩ (Trung Quốc); Dự án bảo trì và nâng cấp Quốc lộ 13 đoạn Viên-chăn – Phôn Hồng (Lào); Dự án kết nối GTVT các tỉnh miền núi phía Bắc (Việt Nam)...
Đặc biệt về hợp tác trong kết nối đường sắt: Trong khuôn khổ Hiệp hội Đường sắt Tiểu vùng Mekong mở rộng, ngành Đường sắt các nước GMS đã bước đầu xác định 09 tuyến ưu tiên nhằm kết nối hoàn chỉnh hệ thống đường sắt GMS và tiến hành hợp tác nghiên cứu, xây dựng Hiệp định khung về kết nối đường sắt qua biên giới trong GMS với sự hỗ trợ của ADB.
Năm 2020 là một năm đặc biệt, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội với gần 100 triệu ca nhiễm và 2 triệu người tử vong. Trong lĩnh vực GTVT, COVID-19 đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho hoạt động vận tải xuyên biên giới, trong đó có các quốc gia GMS.
“Trong bối cảnh đặc biệt đó, Diễn đàn ngày hôm nay là một cơ hội để các quốc gia GMS thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phục hồi lĩnh vực GTVT sau đại dịch, đặc biệt trong phục hồi hoạt động vận tải xuyên biên giới trong GMS trên cơ sở Kế hoạch ứng phó và phục hồi COVID-19 giai đoạn 2021 – 2023 đã được Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 24 thông qua. Hy vọng rằng Diễn đàn GTVT khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 24 sẽ đóng góp được nhiều sáng kiến, chính sách nhằm giúp các quốc gia GMS sớm nối lại hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa xuyên biên giới, thúc đẩy kết nối có hiệu quả các hành lang kinh tế: Bắc – Nam, Đông – Tây và Hành lang kinh tế phía Nam hiện có, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế hậu đại dịch”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói và đề nghị quý vị đại biểu tham dự Diễn đàn ngày hôm nay tiếp tục rà soát, cập nhật tiến độ triển khai các dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực giao thông trong khuôn khổ Khung đầu tư Tiểu vùng GMS 2018 – 2022 nhằm hoàn thiện việc xây dựng Khung chiến hợp tác dài hạn GMS 2030 làm cơ sở tiền đề để thúc đẩy hợp tác tiểu vùng từ nay tới năm 2030, tầm nhìn 2050.
Thứ trưởng cũng trân trọng cảm ơn ADB và các đối tác phát triển đã hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam nói riêng và các quốc gia tiểu vùng nói chung trong thúc đẩy, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng như hỗ trợ thực hiện các chính sách tạo thuận lợi trong vận tải, giao thương qua biên giới. “Bộ GTVT Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục là một thành viên tích cực, chủ động trong hợp tác GTVT Tiểu vùng GMS và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ phía ADB, các đối tác phát triển và các quốc gia thành viên GMS”, Thứ trưởng khẳng định.
Diễn đàn STF 24 bao gồm 8 Phiên làm việc
Tiếp sau đó, Vụ trưởng Vụ HTQT Bộ GTVT Lê Tuấn Anh và Vụ trưởng Vụ Giao thông, Ban Đông Nam Á, Ngân hàng ADB Hiroaki Yamaguchi đồng chủ tịch đã chính thức khai mạc Diễn đàn STF 24.
Diễn đàn STF 24 bao gồm 8 Phiên làm việc.
Tại Phiên 1, Đại diện các quốc gia GMS rà soát và cập nhật tiến độ các dự án ngành trong khuôn khổ Khung đầu tư khu vực GMS (RIF). Các quốc gia giới thiệu ngắn gọn cho STF về tiến độ các dự án trong lĩnh vực giao thông trong khuôn khổ RIF 2022.
Sang Phiên làm việc thứ 2, Đại diện Ban Thư ký GMS của ADB cũng đã trình bày về các nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Khung Chiến lược Chương trình hợp tác kinh tế GMS 2030 (GMS 2030) và Kế hoạch Ứng phóvàPhụchồi GMS COVID-19 2021 - 2023 (Kếhoạch GMS COVID-19); Các động lực chiến lược và các nguyên tắc của GMS 2030 và Kế hoạch GMS COVID-19 liên quan đến lĩnh vực giao thông.
Tiến độ thực hiện "Thu hoạch sớm" CBTA và các kế hoạch khác cho hoạt động tạo thuận lợi vận tải và thương mại; Tiến độ và những hoạt động gần đây về việc thực hiện chương trình “Thu hoạch sớm” của Hiệp định Tạo thuận lợi vận tải xuyên biên giới GMS (CBTA) cũng đã được Đại diện Hội đồng điều phối chung CBTA trình bày tại Phiên làm việc thứ 3.
Tình hình hoạt động của Hiệp hội Đường sắt Mekong mở rộng (GMRA); Báo cáo về tình trạng và tiến độ của các hoạt động của GMRA và kế hoạch đề xuất trong tương lai; Chia sẻ kinh nghiệm trong quy hoạch và kêu gọi đầu tư đường sắt là những vấn đề được đưa ra thảo thuận trong Phiên 4 và Phiên 6 của Diễn đàn.
Bên cạnh đó, Đại diện ADB đã đưa ra các sáng kiến nhằm tăng cường an toàn giao thông đường bộ trong GMS tại Phiên làm việc thứ 5.
Ở Phiên làm việc thứ 7, các Đối tác phát triển (5 Đối tác) cũng trình bày về các hoạt động và kế hoạch trong lĩnh vực giao thông GMS, cũng như xác định các lĩnh vực có thể hợp tác trong tương lai.
Cuối cùng, Diễn đàn đã thảo luận vấn đề về thời gian và địa điểm tổ chức STF-25 tại Campuchia…
HTQT