Phó Thủ tướng Thường trực và Bộ trưởng Bộ GTVT thăm Cảng quốc tế Long An

Ngày 17/02/2021
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đến thăm và chúc Tết người lao động tại Cảng quốc tế Long An, nhân dịp đầu Xuân.

Sau khi nghe giới thiệu về tình hình đầu tư và khai thác,
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
cùng đại diện các bộ, ngành đi thăm Cảng Quốc tế Long An.

Sáng 15/2 (mùng 4 Tết Tân Sửu), nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến thăm Cảng quốc tế Long An - cửa ngõ quốc tế, có vai trò kết nối, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Long An và khu vực Nam Bộ.

Cùng đi với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được.

Tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nghe ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đồng Tâm, đơn vị chủ đầu tư Cảng quốc tế Long An giới thiệu về tình hình đầu tư và khai thác Cảng quốc tế Long An.

Theo đó, Cảng quốc tế Long An là dự án thành phần thuộc dự án Khu cảng, khu công nghiệp, dịch vụ và khu đô thị mới Long An. Cảng có diện tích 147ha bao gồm 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 - 70.000 DWT; tổng chiều dài cầu cảng là 1.670m và 4 bến sà lan tiếp nhận sà lan 2.000 tấn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
trao quà và chúc Tết người lao động tại Cảng Quốc tế Long An

Trong tháng 1/2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Cảng Quốc tế Long An vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ, thông quan hơn 100.000 tấn hàng hoá.

Đáng chú ý, hiện Cảng có thể khai thác các mặt hàng siêu trường, siêu trọng, những mặt hàng đòi hỏi quy trình làm hàng phức tạp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo ông Võ Quốc Thắng, Đồng Tâm đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8 và 9 có thể đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT, dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng đúng tiến độ vào năm 2023, nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368m, quy mô công suất hàng hóa thông quan đạt hơn 80 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, đơn vị còn có kế hoạch xây dựng cầu cảng hàng lỏng, chuyên dụng để phục vụ cho các tàu hoạt động trong lĩnh vực khai thác chuyên chở khí, dầu và các loại hàng lỏng khác, đưa Cảng Quốc tế Long An trở thành một cảng biển đa năng.

"Trong Tết vừa qua, nhiều cán bộ, nhân viên của cảng đã làm việc không ngơi nghỉ để đảm bảo tiến độ lưu thông hàng hóa", ông Thắng báo cáo.

Tại buổi chúc Tết, lãnh đạo địa phương kiến nghị Chính phủ
đầu tư nâng cấp Quốc lộ 62, Quốc lộ N2

Phát biểu tại buổi thăm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá cao lợi thế về vị trí và tiềm năng của Cảng Quốc tế Long An.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, từ trước đến nay, hàng hóa từ các tỉnh miền Tây muốn xuất khẩu ra thế giới phải đến TPHCM, qua cảng Sài Gòn và các cảng lân cận để xuất khẩu, chi phí vận chuyển và logistics cao, chưa kể các cảng này luôn trong tình trạng quá tải.

Nếu Cảng Quốc tế Long An hoàn thành và đưa vào khai thác, hàng hóa sẽ xuất đi từ đây. Ngoài việc tiết kiệm thời gian, nâng chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp còn tiết kiệm được chi phí và đặc biệt là giảm áp lực giao thông cho khu vực TPHCM.

“Tới đây, khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ đầu tư được đưa vào khai thác, cùng với việc hoàn thành đầu tư các cầu cảng còn lại, Cảng Quốc tế Long An sẽ trở thành cảng biển cửa ngõ quốc tế lớn nhất khu vực, có vai trò quan trọng để hàng hóa từ các tỉnh Tây Nam Bộ, trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước đến với thị trường thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển”, Bộ trưởng tin tưởng.

Cũng tại buổi chúc Tết đầu Xuân, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An tiếp tục kiến nghị Chính phủ nhanh chóng đầu tư nâng cấp Quốc lộ 62, N2.

Được biết, đây là hai tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh đã kiến nghị nâng cấp hơn 5 năm qua nhưng vẫn chưa được đầu tư. Mỗi khi Tết đến, người dân thường phải mất hơn 5 giờ đồng hồ để đi qua đoạn đường này.

Đặc biệt, đoạn tuyến Quốc lộ 62 hợp với Quốc lộ N2 qua địa bàn huyện Thạnh Hóa, Long An đang là nút tắc nghẽn rất nghiêm trọng trong hệ thống giao thông của miền Tây.

Nguồn: Báo Giao thông