Cảng biển điểm sáng chinh phục những cột mốc mới ngành Hàng hải

Ngày 17/02/2021
Vượt lên khó khăn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lĩnh vực cảng biển năm vừa qua vẫn gặt hái được nhiều thành công, là điểm sáng chinh phục những cột mốc mới của ngành Hàng hải.

Cảng Hải Phòng - Ảnh minh họa

Những cột mốc mới

Với quyết tâm vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, hầu hết các cảng biển năm vừa qua đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng và đạt mốc 110,6 triệu tấn (tăng từ 10 - 12%); tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp cán mốc 1.300 tỷ đồng. Mặc dù đây là những cửa khẩu giao thương quốc tế nhưng các cảng biển đã không để xảy ra ca lây nhiễm Covid-19 nào.

Năm 2020 cũng là năm Việt Nam phải hứng chịu nhiều thiên tai bão lụt ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống cảng biển. Một số cảng biển lớn, trọng điểm đã sớm hoàn thành kế hoạch của cả năm 2020, tiêu biểu như Cảng Quy Nhơn được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp nhận lại năm 2019 theo chỉ đạo của Chính phủ, đã hoàn thành kế hoạch năm 2020 trước 45 ngày. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn cả năm 2020 đạt 11 triệu tấn (tăng 32% so với năm 2018), lợi nhuận đạt tới 146 tỷ đồng (tăng trưởng 28% so với năm 2018).

Một doanh nghiệp lớn khác của VIMC là Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 trước 10 ngày, với tổng sản lượng thông qua đạt 34,5 triệu tấn. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận Cảng Hải Phòng đạt trên 610 tỷ đồng, tăng trưởng trên 5% so với năm 2019. 

Nhằm mục đích hiện đại hóa, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, từ ngày 01/01/2021, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng chính thức triển khai dịch vụ Cảng điện tử (E-port) tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ.

Cảng Đà Nẵng là cảng lớn nhất khu vực miền Trung, đạt sản lượng 11,4 triệu tấn, trong đó hàng container đạt khoảng 550.000 Teus, tăng trưởng 17%, mốc cao nhất từ trước tới nay. Doanh thu của Cảng Đà Nẵng năm 2020 đạt 930 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 260 tỷ đồng, tăng trưởng gần 15% so với năm 2019. Cảng Đà Nẵng nằm trong top 10 cảng khai thác container lớn nhất Việt Nam và top 5 đơn vị logistics uy tín nhất ngành khai thác cảng. Giữa tháng 11/2020, với năng suất 123 moves/h, Cảng Đà Nẵng đã thiết lập một kỷ lục mới về sản lượng xếp dỡ cho một tàu container cập cảng (với 1.113 moves, tương đương với 2.126 teus hàng hóa được xếp dỡ).

Bên cạnh đó, phải kể đến Công ty Cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh với sản lượng hàng hóa thông qua năm 2020 đạt hơn 4,2 triệu tấn, tăng gần 12% so với năm 2019 và tăng hơn 11% so với kế hoạch năm 2020. Doanh thu từ hoạt động khai thác cảng năm 2020 ước đạt gần 200 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2019 và tăng hơn 7% so với kế hoạch năm 2020.

Ngày 26/10/2020, cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) đã tiếp nhận thử nghiệm thành công tàu Margrethe Maersk trọng tải 20.000 teus, tương đương 214.121 tấn - một trong số ít tàu container lớn nhất thế giới hiện nay. Vào những ngày cuối cùng của năm 2020, CMIT tiếp tục đón tàu container MSC Oliver - tàu container trọng tải gần 200.000 tấn. Đây đều là các tàu của liên minh 2M khai thác trên tuyến dịch vụ kết nối giữa Việt Nam với bờ Tây nước Mỹ. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nhưng CMIT vẫn có 5 chuyến tàu mẹ kích cỡ từ 9.000 - 18.000 teus, 150 chuyến sà lan và tàu nội địa cập cảng hàng tuần.

Một cảng liên doanh khác của VIMC là Cảng Liên doanh Dịch vụ container Quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) cũng đạt kết quả ấn tượng năm 2020, tổng sản lượng thông qua cầu cảng đạt hơn 1.000.000 teus, trong khi hàng rời đạt hơn 2 triệu tấn cho năm 2020. SSIT hiện có 6 tàu ghé vào cảng hàng tuần, bao gồm 2 tàu đến Hoa Kỳ và 4 tàu đến các nước châu Á khác. Cuối năm 2020, SSIT chào đón tuyến dịch vụ container tàu Nội Á thứ ba và hy vọng tiếp tục có thêm một tuyến dịch vụ container trực tiếp đi Mỹ hoặc châu Âu cập cảng vào năm 2021.

Tìm mọi giải pháp để gỡ khó

Năm qua, hầu như thị trường hàng rời, tổng hợp đều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ ít và do không thể khai thác tàu bởi lệnh phong tỏa, cách ly xã hội của các cảng biển, công xưởng sản xuất. Hơn một nửa số tàu của các doanh nghiệp toàn VIMC hoạt động cả nội địa và quốc tế, nhiều tàu chạy hàng khu vực xa như châu Mỹ, châu Phi…, không có đơn hàng chạy về hai chiều mà chủ yếu dừng neo chờ. Trong thời gian qua, tàu dầu bị các đối tác trả hoặc yêu cầu giảm cước. Tàu container hoạt động kém hiệu quả do cước quá thấp, cung lớn hơn cầu khiến nhiều tàu phải dừng hoạt động. Rất nhiều hợp đồng hàng hóa đã ký đều bị hủy bỏ, các đơn hàng đang thực hiện thì rất thiệt hại do không thể nhận, trả hàng bởi nhiều nước như Philippines, Ấn Độ… phong tỏa, cảng không có lao động, chi phí tăng rất lớn cho việc neo chờ tàu, lương thuyền viên, bảo hiểm, neo đậu, nhiên liệu dầu mỡ.

Ngoài ra, việc duy trì đảm bảo tình trạng kỹ thuật tàu rất khó khăn do không cung cấp được phụ tùng vật tư, dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa…Trong bối cảnh đó, ngoài việc áp dụng nhiều biện pháp để tăng khả năng quay vòng vốn, giảm thời gian chạy rỗng, tăng cường kiểm soát chi phí nhiên liệu, phụ tùng, vật tư, sửa chữa... thì các doanh nghiệp vận tải biển đã đẩy mạnh triển khai phương thức thuê tàu ngoài. Cách làm này đã giúp một số doanh nghiệp gia tăng doanh thu đáng kể. Điều đó không những đem lại thêm lợi nhuận mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng quỹ lương, đảm bảo thu nhập cho đội ngũ thuyền viên, duy trì được hệ thống quản lý cùng các cán bộ có bề dày kinh nghiệm tiếp tục gắn bó. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu với bất kỳ một công ty vận tải biển nào.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải. Một số doanh nghiệp trong khối dịch vụ của VIMC nhờ ứng phó tốt nên kết quả cuối năm vẫn đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Tiêu biểu là Vimadeco và VOSA. Lợi nhuận cả năm của Vimadeco đạt hơn 13 tỷ đồng, vượt 67% so với kế hoạch. “Anh cả đỏ” ngành dịch vụ hàng hải VOSA với doanh thu cả năm đạt hơn 960 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch giao, lợi nhuận trước thuế đạt 100% kế hoạch.

Nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải