Doanh nghiệp Việt lao đao vì cước vận chuyển container vẫn cao ngất ngưởng

Ngày 24/02/2021
Doanh nghiệp XNK Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa hàng hóa ra thị trường thế giới do giá vận chuyển cao và khó đặt chỗ...

Ảnh minh họa

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam và Công Ty CP Tập Đoàn Hanfimex cho biết, hiện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn đang “ngồi trên đống lửa” khi cước vận chuyển container vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Cụ thể, giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu, Địa Trung Hải vẫn đang dao động ở mức 7.000 - 8.000 USD (thời điểm trước khi tăng là 2.000 - 2.500 USD/cont).

Đặc biệt, dù giá cước tăng cao nhưng chủ hàng vẫn rất khó đặt chỗ trên tàu. Hiện tại, một số tuyến đi Địa Trung Hải, các nước Trung Đông, hãng tàu vẫn chưa báo giá và cấp mã đặt chỗ khiến chủ hàng rơi vào thế bị động, không thể lên kế hoạch xuất khẩu, giải phóng hàng hóa.

Theo ông Phùng Ngọc Sâm, TGĐ Công ty Hanfimex, thực trạng giá vận chuyển cao ngất ngưởng và khó đặt chỗ khiến lượng hàng hóa trong năm 2020 của đơn vị này bị chậm lại khoảng 30% so với kế hoạch.

“Nếu tình trạng này không được cải thiện, nhu cầu mua bán sẽ giảm đi. Cước vận chuyển tăng đẩy giá thành hàng hóa lên cao, người mua không giải phóng được hàng ra thị trường sẽ quay lại ép giá người bán. Khi ấy, khó khăn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ tăng lên gấp bội”, ông Sâm chia sẻ.

Cục Hàng hải VN nhận định, nguyên nhân giá cước vận chuyển container tăng cao là do đại dịch Covid-19 lây lan trên quy mô toàn cầu buộc các nước phải đồng loạt áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao thương. Nhiều cảng biển ở Châu Âu, Mỹ trong tình trạng tắc nghẽn, hàng triệu container bị ùn tắc tại cảng gây ra tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng.

Ngoài ra, nguyên nhân còn đến xuất phát từ nhu cầu vận chuyển và giá cước bên Trung Quốc tăng cao sau thời gian “đóng băng” bởi dịch. Có những chuyến, giá vận chuyển của một container đi châu Âu lên tới 10.000 USD/container 40 feet dẫn đến các hãng tàu dồn hết nguồn lực sang Trung Quốc để phục vụ.

Trước thực trạng trên, Cục Hàng hải VN đề nghị các hãng tàu vận tải biển container hoạt động tại Việt Nam thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin niêm yết giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển gửi về Cục Hàng hải theo quy định tại Nghị định số 146/2016.

“Các hãng tàu cũng phải có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng (loại 40 feet) ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp để lưu chuyển lượng container rỗng nội địa phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm việc tăng giá vận chuyển container, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hiện nay”, Cục Hàng hải yêu cầu.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN cho biết, tại thông cáo báo chí mới nhất được công bố, Hội đồng Vận tải biển Thế giới (WSC) đã khẳng định tình trạng thiếu container là do nhu cầu xuất khẩu tăng đột biến. Các hãng tàu không có lỗi trong vấn đề thiếu container rỗng và cước phí vận chuyển leo thang.

Theo WSC, hiện nay các tàu đã được lấp đầy nên không còn khả năng nhận thêm hàng, lượng tàu có sẵn trên thị trường để các hãng có thể thuê sử dụng không còn nên các hãng khó có khả năng tăng năng lực vận chuyển. Nếu có thuê được thêm tàu container mà không có vỏ container sẽ sinh ra nhiều hệ lụy khác, trong đó, việc giá cước vận chuyển tăng cao là một ví dụ.

Nguồn: Báo Giao thông