Trước khi có dịch Covid-19, nhà ga hành khách Cảng HKQT Tân Sơn Nhất
thường xuyên đối mặt với tình trạng ùn tắc
Lãnh đạo TCT Cảng hàng không VN (ACV) khẳng định, đang nỗ lực tối đa để có thể khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 10 năm nay.
Cơ bản xong Báo cáo khả thi
Hơn 9 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất (từ tháng 5/2020), dự án được đánh giá là trọng điểm của UBND TP HCM giai đoạn 2020 - 2023 vẫn chưa được khởi công.
Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng giám đốc ACV Đỗ Tất Bình cho biết, do tính cấp bách của dự án và thời gian thực hiện rất ngắn nên ngay sau khi có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, ACV đã tích cực chuẩn bị đầu tư dự án. Sau khi đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn thiết kế kỹ thuật, đến nay Báo cáo nghiên cứu khả thi đã cơ bản hoàn thành.
“Chúng tôi phấn đấu khởi công dự án vào tháng 10 năm nay. Việc đầu tư xây dựng sẽ hoàn tất sau 24 tháng”, ông Bình nói và nhấn mạnh: Việc hoàn thành xây dựng dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Bàn giao 16,05ha đất quốc phòng cho TP HCM quản lý
Theo thông tin của Báo Giao thông, Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng được thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,05ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP HCM với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý để xây dựng Nhà ga T3 và đưa diện tích đất trên vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP HCM.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân phối hợp với UBND TP HCM, các cơ quan chức năng của địa phương và Bộ Quốc phòng hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng và bàn giao cho địa phương quản lý.
Trước đó, cuối năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Quốc phòng, UBND TP HCM khẩn trương xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng kỳ cuối (2016 - 2020), quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất TP HCM kỳ cuối (2016 - 2020) đối với khu đất xây dựng Nhà ga hành khách T3 theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Sau khi có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Phương án xử lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với khu đất nêu trên để bàn giao cho UBND TP HCM quản lý theo quy định pháp luật về sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định.
Sau khi được bàn giao, UBND TP HCM sẽ tiến hành giao đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật hàng không dân dụng và các quy định liên quan.
Cần phải nói rằng, đề xuất trên của Bộ Quốc phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gỡ tiến độ của dự án hay nói cách khác, đến thời điểm này, các công việc đều cơ bản đảm bảo, lo nhất chỉ là mặt bằng.
“Tiến độ thực hiện dự án phụ thuộc rất lớn vào công tác GPMB, thu hồi và giao đất”, lãnh đạo ACV khẳng định.
Theo quyết định của Thủ tướng, nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Theo ACV, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được lập dựa trên cơ sở tham khảo suất đầu tư của các dự án tương tự về mức độ đầu tư về kỹ thuật.