Các đơn vị liên quan họp bàn giải pháp trục vớt tàu Bạch Đằng bị chìm ở biển Mũi Né
Khẩn trương trục vớt tàu chìm ra khỏi Khu du lịch Mũi Né
Ngày 26/3, tại Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, lãnh đạo Vụ ATGT, Cục Hàng hải Việt Nam đã có buổi làm việc với địa phương bàn về giải pháp khẩn trương trục vớt tàu Bạch Đằng bị chìm trên biển Mũi Né, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).
Ông Bùi Nguyên Khôi - PGĐ Cảng vụ Hàng hải BìnhThuận cho biết, tàu vận tải Bạch Đằng có trọng tải 2.500 tấn, xuất bến lúc 10h ngày 14/3 chở 1.500 tấn bụi than (tro bay) từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đi Cảng Nhơn Trạch, (Đồng Nai).
Khi hành trình đến khu vực biển bãi sau vịnh Mũi Né, cách bờ khoảng 0,5 hải lý bất ngờ bị lật ngang và chìm.
Đến 20h cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã cứu vớt được 7/7 thuyền viên, đưa vào bờ an toàn với tình trạng sức khỏe bình thường, ổn định.
Sau khi xảy ra sự cố, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn chủ tàu khẩn trương khảo sát xây dựng phương án hút dầu và trục vớt, nhanh chóng tiến hành trục vớt tàu bị nạn theo quy định.
Đến nay đã hút được gần 4.000 lít dầu ra khỏi tàu Bạch Đằng. Hiện cảng vụ hàng hải đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân tàu bị chìm.
Dự kiến tàu Bạch Đằng sẽ được trục vớt từ cuối tháng 3 trong thời gian 20 ngày.
Về phương án trục vớt, ông Nguyễn Văn Hùng - Chỉ huy trưởng phụ trách trục vớt tàu (Công ty TNHH Vận tải biển Trường Tâm) cho biết, công tác trục vớt phải đảm bảo cao nhất bảo đảm an toàn hàng hải, chống rò rỉ dầu.
Hiện nay, độ sâu ở vị trí tàu Bạch Đằng đang bị chìm khoảng 7m, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, thiết bị thấm hút dầu. Chuẩn bị lực lượng cảnh giới, trong suốt quá trình thi công nhằm phát hiện kịp thời hiện tượng rò rỉ dầu ra biển để tiến hành biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu.
"Chúng tôi đang đưa phương tiện cẩu 350 tấn, móc cẩu và các thiết bị khác từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến và chờ thời tiết thuận lợi để tiến hành trục vớt tàu", ông Hùng nói.
Về phương án trục vớt, các thợ lặn sẽ móc cẩu cố định vào các vị trí mạn tàu. Sau khi cẩu lật tàu về trạng thái tự nhiên, đơn vị sẽ bơm vét nước ở trong các khoang, két của tàu ra ngoài để làm tàu nối dần lên.
Trong quá trình bơm, các thợ lặn sẽ kiểm tra bịt vá các lỗ thủng của Bạch Đằng (nếu có). Khi tàu Bạch Đằng nổi hoàn toàn trong trạng thái an toàn, sẽ thông báo các cơ quan chức năng và kéo tàu về nhà máy sửa chữa tại TP.HCM.
Ông Trần Quang Tuấn, đại diện chủ tàu đã cám ơn các lực lượng cứu hộ đã cứu các thuyền viên khi xảy ra chìm tàu. Công ty đang tích cực phối hợp với Cảng vụ Hàng hải, đơn vị trục vớt, công ty bảo hiểm để thực hiện các thủ tục trục vớt tàu.
Trục vớt tàu đắm sát bờ như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phê bình chủ tàu chậm trễ trong công tác khắc phục chìm tàu.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bày tỏ không hài lòng khi chủ tàu chỉ cử một Trưởng phòng đến làm việc, đại diện công ty bảo hiểm cũng vắng mặt. Việc trục vớt tàu phải được thực hiện khẩn trương tránh gây ảnh hưởng đến môi trường và tác động xấu đến du lịch. Do vậy chủ tàu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các sự cố liên quan trong việc chậm trễ trục vớt tàu.
"Tôi hết sức lưu ý chủ tàu trong việc triển khai khắc phục sự cố, sắp tới Cục Hàng hải sẽ xem xét xử phạt chủ tàu vì chậm trễ trong công tác phối hợp", ông Hoàng nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải ghi nhận những ý kiến của các đơn vị liên quan ở địa phương sớm chốt phương án triển khai ngay công tác trục vớt.
Quá trình trục vớt phải huy động ngày và có phương án tối ưu đảm bảo thực hiện 4 bước về thanh thải hàng hóa, di dời tàu, vị trí neo tàu sau trục vớt, cảnh báo an toàn điều tiết giao thông để các thuyền đánh cá tránh né khi triển khai.
"Quá trình trục vớt khối lượng công việc giải quyết rất lớn, phức tạp phải đảm bảo công tác môi trường, an toàn cho nhân viên tham gia trục vớt vì thực tế đã có một số vụ tai nạn xảy ra. Khi vừa xảy ra vụ việc các lực lượng ở địa phương đã thực hiện rất tốt công tác ứng phó tại chỗ, tôi cũng mong muốn địa phương tiếp tục hỗ trợ trong công tác trục vớt tàu thời gian tới", ông Nguyễn Hoàng nói.
Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ an toàn Bộ GTVT
phát biểu tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) đánh giá cao và biểu dương công tác tìm kiếm cứu nạn xử lý khắc phục sự cố ban đầu khi xảy ra chìm tàu, các thuyền viên đều được an toàn. Công tác khắc phục được bước đầu trong công tác đảm bảo ngăn chặn tràn dầu.
Ông Thạch yêu cầu đơn vị phụ trách trục vớt phải có phương án chi tiết về công tác đảm bảo an toàn hàng hải, an toàn lao động con người và tài sản khi trục vớt.
Song song với công tác trục vớt, các đơn vị phải sớm có kết quả điều tra nguyên nhân vụ tai nạn để rút kinh nghiệm trong các vụ việc khác, không để xảy ra các vụ tai nạn tương tự và hoàn thiện các quy trình, các văn bản pháp luật quy rõ trách nhiệm chủ tàu.