TP Hồ Chí Minh: Ứng dụng các công nghệ mới vào điều hành giao thông

Ngày 30/03/2021
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, nhờ ứng dụng các công nghệ mới vào điều hành giao thông mà nhiều tuyến đường trọng điểm của thành phố đã giảm kẹt xe, việc lưu thông thuận lợi, dễ dàng hơn trước.

Điển hình là những tuyến đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi (hai tuyến đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với khu vực trung tâm thành phố), Trương Định, Pasteur, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu… Tại những tuyến đường này, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt cho phép tự động điều chỉnh các thông số điều khiển như thời gian chu kỳ đèn, thời gian đèn xanh, số pha điều khiển, trình tự pha điều khiển, lệch thời gian đèn xanh để thích ứng với lưu lượng giao thông thay đổi theo từng thời điểm và ưu tiên cho phương tiện giao thông công cộng (hệ thống điều khiển này được gọi là "Làn sóng xanh").

Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh thành phố (Trung tâm), với "làn sóng xanh", các phương tiện lưu thông vận tốc trung bình 35 km/giờ có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục trên các tuyến đường trong điều kiện lưu thông thông thoáng. Kết quả của việc ứng dụng "làn sóng xanh" là thời gian dừng chờ đèn tín hiệu ngắn lại, giảm chiều dài dòng xe chờ đèn tín hiệu, tăng năng lực lưu thông các tuyến đường (vận tốc trung bình tăng từ 10 đến 15%).

Trung tâm cũng lắp đặt hệ thống cảm biến quan trắc để thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường. Các thông số của dòng giao thông (lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ phương tiện) cũng được Trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm thuộc các tuyến đường trung tâm thành phố. Trung tâm còn lắp đặt hệ thống 857 ca-mê-ra giám sát giao thông; hệ thống giám sát và điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt tại 216 chốt theo tình hình giao thông thực tế. Thông qua hệ thống màn hình, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao thông có ca-mê-ra kết nối. Trung tâm sẽ phân tích và đưa ra các kịch bản, từ đó chạy lại đèn tín hiệu, giúp cải thiện tình hình giao thông tại nút giao.

Tuyến đường Lê Duẩn được gắn bảng thông báo giám sát
và xử phạt vi phạm giao thông bằng camera  (ảnh Vovgiaothong.vn)

Mới đây, Trung tâm đã đưa vào ứng dụng thêm một số giải pháp mới, trong đó có giải pháp giám sát tự động các hành vi giao thông trên đường bằng 40 điểm ca-mê-ra giám sát tự động. Khi có sự cố tai nạn, ùn tắc, xe dừng hoặc đậu không đúng quy định, xe đi ngược chiều…, hệ thống này sẽ nhanh chóng báo về Trung tâm. Nhân viên phụ trách sẽ nắm bắt và thông tin nhanh cho các lực lượng chức năng để phối hợp xử lý kịp thời.

Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị đã mang lại hiệu quả lớn, tác động tích cực nhiều khía cạnh của đời sống, lĩnh vực kinh tế - xã hội ở thành phố. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn đang quá tải do quy mô dân số, kinh tế… ngày càng tăng nhanh, thì vấn đề đi lại và bảo đảm giao thông đô thị liên tục thông suốt vẫn là bài toán nan giải.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành giao thông thành phố cần tăng cường ứng dụng những tiến bộ mới nhất về công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Song hành với quá trình xây dựng đô thị thông minh thành phố đang triển khai, ngành giao thông cần tận dụng thời cơ để đầu tư ứng dụng công nghệ mới, từng bước khắc phục những hạn chế và bất cập, nâng dần mức độ tự động hóa trong công tác quản lý, điều hành giao thông.

Để đạt hiệu quả cao nhất, việc ứng dụng công nghệ mới này cần được triển khai song song với quá trình đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở, kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này sẽ bảo đảm sự tương thích, tính đồng bộ, liên lạc, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, vận hành của toàn hệ thống.

Nguồn: Báo Nhân Dân