Đà Nẵng: Khuyến khích phát triển xe điện

Ngày 02/04/2021
UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án “Đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Đây được xem là động thái nhanh nhạy, thể hiện quyết tâm đi tiên phong trong việc phát triển hạ tầng giao thông, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân theo hướng bền vững, đặt mục tiêu bảo vệ môi trường lên hàng đầu.

Thành phố khuyến khích phát triển ô tô điện để bảo vệ môi trường.
Trong ảnh: Ô tô điện VFe34 của VinFast vừa được mở bán.

Chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển

Theo đề án, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 150 trạm sạc cấp 1, 2 và 15 trạm sạc cấp 3; đến năm 2030 xây dựng 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3. Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được đề xuất như: khuyến khích mua sắm công, sử dụng ô tô điện phục vụ tại các sở, ban, ngành, cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; có lộ trình chuyển đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sang sử dụng xe buýt điện; đề xuất áp dụng quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư cho các dự án xây dựng trạm sạc ô tô điện nếu thỏa mãn các điều kiện, tiêu chí; kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) hoặc có chính sách khuyến khích hỗ trợ để thực hiện đầu tư trạm sạc ô tô điện tại các trụ sở công (trung tâm hành chính, bệnh viện,...) theo đúng quy định của pháp luật.

Đề án cũng đưa ra giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ trạm sạc, ô tô điện trong giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; thu hút đầu tư của các tập đoàn mạnh về lĩnh vực xe điện, đã triển khai thành công mạng lưới trạm sạc từ các nước có quan hệ hợp tác truyền thống với thành phố như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...; khuyến khích các đơn vị, cá nhân trong thành phố xây dựng các dự án kêu gọi vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc phát triển cung cấp dịch vụ hoặc mạng lưới trạm sạc xe điện. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức người dân về nội dung này để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, Sở đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, xây dựng chính sách vay vốn, hỗ trợ lãi suất khi xây dựng trạm sạc và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư cùng thành phố thực hiện thành công đề án. Đề án ra đời phù hợp với mục tiêu đưa bảo vệ môi trường là một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của thành phố.

Xu hướng tất yếu

Là nhà sản xuất ô tô hàng đầu của cả nước, ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Phát triển trạm pin, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ Vinfast cho biết, xe điện đang là lựa chọn được người tiêu dùng trên thế giới ưu tiên khi mua phương tiện đi lại bởi ưu thế về tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng.

Cùng với việc ra mắt các dòng ô tô điện, Vinfast là đơn vị đầu tiên công bố lộ trình xây dựng trạm sạc xe điện trên toàn quốc. Trong đó, Đà Nẵng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong lộ trình phủ trạm sạc của đơn vị này với mật độ cứ 2km sẽ có 1 trạm sạc đối với các quận nội thành. Kế hoạch xây dựng trạm sạc của Vinfast hiện phù hợp với cơ chế khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện tại thành phố Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Sở Công thương, tại thị trường Đà Nẵng hiện nay, người dân chủ yếu sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và xe bốn bánh chở người có gắn động cơ với công nghệ sử dụng là pin axit chì (chỉ sử dụng sạc chậm và bộ sạc sử dụng điện 220V thông dụng). Cũng mới chỉ có 4 ô tô điện chạy hoàn toàn bằng điện và 2 chiếc xe điện động cơ lai điện đang được các doanh nghiệp vận hành.

Hằng năm, thành phố có khoảng 10.000 ô tô đăng ký mới và dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới. Nếu giai đoạn từ 2020-2025, thành phố có khoảng 5% số lượng đăng ký mới xe sử dụng điện hoàn toàn hoặc xe điện thì trung bình sẽ có trên 50 chiếc/năm đi vào hoạt động. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán nhằm đầu tư phát triển loại hình giao thông này cũng như hình thành các trạm sạc trong giai đoạn 2020-2030.

Về phía ngành điện thành phố, theo ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), hiện hệ thống lưới điện trên địa bàn thành phố cơ bản bảo đảm được việc phát triển, xây dựng trạm sạc điện trong giai đoạn 1 (đến năm 2025), cũng như một phần trong giai đoạn 2 (đến năm 2030). Để khảo sát điểm xây dựng và lắp đặt trạm sạc xe điện, PC Đà Nẵng luôn tạo điều kiện và sẽ cử cán bộ phối hợp tìm vị trí tối ưu nhất cho các chủ đầu tư khi lắp đặt trạm biến áp. Bên cạnh đó, trong kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2025-2030, PC Đà Nẵng sẽ lưu ý việc bảo đảm cấp điện cho các trạm sạc để thuận tiện, đơn giản và gần nhất đối với người sử dụng.

Mặc dù nằm trong xu thế phát triển tất yếu với nhiều tiềm năng, nhưng dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, ông Lê Hoàng Hải chỉ ra thực tế, việc sử dụng xe điện và hình thành các trạm sạc xe điện vẫn còn là vấn đề khá mới đối với người tiêu dùng Việt Nam và thị trường này còn bỏ ngỏ. “Ở nước ta hiện nay, tỷ lệ sử dụng xe điện chưa cao, hạ tầng trạm sạc xe điện chỉ mới là những chấm nhỏ chưa hình thành cũng như tạo thành mạng lưới liên kết.

Chưa có những cơ chế, chính sách hiện hành đủ mạnh để có thể khuyến khích sử dụng ô tô điện và các nhà sản xuất các chủng loại xe điện đẩy mạnh đầu tư. Dù vậy, khảo sát của Vinfast cho thấy, 33% người dùng Việt Nam có thể mua xe điện trong lần mua đầu tiên. Đây là cơ hội cho những ông lớn trong ngành chế tạo bước vào cuộc đua chiếm lĩnh thị phần mới này”, ông Hải nói.

Nguồn: Báo Đà Nẵng