Chuyến tham quan có sự tham gia của ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cùng các giảng viên, sinh viên tại các trường có đào tạo ngành logistics trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như Trường ĐH GTVT TP.HCM, ĐH Kinh Tế, ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Hoa Sen, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Trà Vinh, ĐH Công nghệ, ĐH Công nghiệp… cùng đại diện các doanh nghiệp).
Đoàn tham quan tại Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT)
Đoàn tham quan của trường ĐH GTVT TPHCM có sự tham gia của PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà – tổ trưởng bộ môn Quản trị Logistics & VTĐPT, các giảng viên khoa Kinh tế vận tải cùng đại diện CLB UTLOGS, đại diện đội thi VTLOGS và học viên chương trình thạc sĩ Logistics và Vận tải quốc tế (chương trình liên kết quốc tế của trường).
Địa điểm tham quan đầu tiên là Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), dưới sự hướng dẫn của cán bộ, kỹ sư từ Ban điều độ Cảng, các bạn sinh viên được giới thiệu các thông tin tổng quan về Cảng Cái Mép với diện tích là 27 ha, là một cụm cảng biển sâu, nằm ở cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải. Cụm cảng được xây dựng và thiết kế để phục vụ cho nhân dân Vũng Tàu nói riêng, và vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ nói chung. Cảng có khả năng tiếp nhận tàu container với trọng tải 160.000 DWT, công suất hơn 1,1 triệu TEU mỗi năm là con số ấn tượng của cảng Cái Mép đạt được. Tổng diện tích cảng lên đến 48 ha.
Đây là cụm cảng duy nhất của Việt Nam sở hữu các chuyến tàu mẹ chuyên chở trực tiếp container đi Châu Mỹ, Châu Âu mà không qua bất kỳ cảng trung chuyển nào.
Phát biểu tại buổi tham quan, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã giới thiệu chung về tình hình phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam và nhu cầu đối với nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Đồng thời ông cũng bày tỏ sự cảm ơn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ hội tham quan thực tế từ Ban quản lý Cảng.
Sau khi giới thiệu tổng quan về CMIT, đoàn tham quan đã được quan sát thực tế về quy trình nhập cảng của tàu thuyền. Qua đó giảng viên & sinh viên đã có thêm sự hiểu biết thực tế về quy trình cập cảng, lưu chuyển hàng hóa trong cảng,... Các bạn sinh viên rất chú ý lắng nghe và chủ động đặt nhiều câu hỏi cho các kỹ sư để được giải đáp các vấn đề còn thắc mắc.
Đoàn tham quan trường ĐH GTVT TPHCM chụp ảnh
đón tàu chở hàng trọng tải ~16.000 TEU cập cảng CMIT
Sau khi tham quan Cảng CMIT, Đoàn tham quan cũng đã có trải nghiệm thực tế rất thú vị, tìm hiểu quy trình hoạt động kinh doanh tại cơ sở sản xuất kinh doanh chính của Công ty Cổ phần LEC Group. LEC Group là tập đoàn với hệ thống logistics trải dài trên khắp cả nước. Với diện tích hơn 1 triệu m2 kho bãi tại Việt Nam, là đơn vị hàng đầu về dịch vụ kho bãi cho hàng rời (hàng xá). LEC Group cũng là công ty tiên phong trong việc cung cấp các giải pháp trọn gói cho các đơn vị than và nhà máy than. Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Truyền thông và Đầu tư LEC Group chia sẻ: “Chúng tôi rất hoan nghênh đoàn đã đến thăm LEC Group. Chương trình là cơ hội chúng ta có bước xích lại gần nhau, để có sự kết nối giữa nhu cầu nhân sự, tạo điều kiện để các sinh viên có nơi để thực tập cũng như bổ trợ cho LEC Group tìm kiếm nhân tài phát triển doanh nghiệp".
Địa điểm thứ ba là Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ (thuộc Hoa Sen Group). Đón tiếp đoàn là ông Đỗ Tuấn Anh - Giám đốc nhân sự của Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ. Ông Đỗ Tuấn Anh đã có những chia sẻ thông tin bổ ích, nhà máy có công suất khoảng 124,000 tấn/năm (trong đó: 100.000 tấn ống thép/năm; 24.000 tấn ống nhựa/năm), khả năng phân phối hàng hóa đi tất cả các tỉnh thành trên cả nước, công ty hoạt động với tiêu chí “bán đúng giá - đúng tiêu chuẩn - đúng chất lượng - được bảo hành”.
Đoàn tham quan từ Trường ĐH GTVT TP.HCM chụp ảnh cùng
ông Trần Thanh Hải và ông Đỗ Tuấn Anh -
Giám đốc nhân sự Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ
Giảng viên, sinh viên đã có thêm thông tin về quy trình sản xuất tôn thép khép kín, tôn mạ màu, thép cán nguội dạng cuộn tròn thực tế cũng như các kiến thức về đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất - vận chuyển hàng, tham quan các dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu đã được đầu tư tại Nhà máy.
Giảng viên, học viên và sinh viên Trường ĐH GTVT TP.HCM
(hình ảnh từ Xưởng sản xuất - Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ)
Chuyến tham quan được thiết kế với 3 địa điểm là 3 đại diện điển hình trong một chuỗi cung ứng hàng hoá, từ nhà sản xuất tới công ty dịch vụ Logistics và cảng quốc tế đã cho giảng viên & sinh viên nhiều trải nghiệm thực tế và có tính liên kết, hiểu được vai trò của từng nhà trong chuỗi cung ứng hiện nay ở Việt Nam.
Qua chuyến đi, việc quan sát thực tế và học hỏi từ doanh nghiệp là rất quan trọng đối với học viên và sinh viên. Bởi qua các kiến thức thực tiễn, sinh viên sẽ có cho mình những cái nhìn mới mẻ về lý thuyết đã được học trên lớp và biết thêm nhiều bài học không được thể hiện hết trong sách vở. Thêm vào đó, kinh nghiệm thực tiễn còn mang lại cho sinh viên sự tự tin về kiến thức trong lĩnh vực đang theo học, giúp sinh viên hòa nhập nhanh hơn trong môi trường làm việc sau này.
Chương trình tham quan được tổ chức thành công tốt đẹp trong niềm hân hoan, phấn khởi của các bên tham gia, đặc biệt chương trình đã ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ thầy cô và các bạn sinh viên đến từ Trường ĐH GTVT TP.HCM. Đây chính là nguồn khích lệ để bộ môn Quản trị Logistics & Vận tải đa phương thức, khoa Kinh tế vận tải (Trường ĐH GTVT TP.HCM) có thêm động lực để tiếp tục kết nối và tổ chức các chuyến đi thực tế có ý nghĩa, bổ ích, tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm thực tiễn cho các bạn sinh viên Trường ĐH GTVT TP.HCM trong thời gian tới.