Khẩn trương hoàn thiện 05 Quy hoạch ngành quốc gia về GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 13/04/2021
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp nghe báo cáo tích hợp 05 Quy hoạch ngành quốc gia về giao thông vận tải thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng nay (13/4), tại trụ sở Bộ GTVT.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu, các Cục quản lý chuyên ngành của Bộ.

Tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Lê Đỗ Mười đã trình bày báo cáo tích hợp 05 quy hoạch ngành quốc gia về GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó tập trung đánh giá hiện trạng và tình hình thực hiện quy hoạch 05 chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải (hiện trạng vận tải, kết cấu hạ tầng); tình hình phân bổ nguồn lực đầu tư giai đoạn 2011-2020; đưa ra mô hình, xây dựng kịch bản dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; tích hợp 05 quy hoạch ngành quốc gia về GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; giải pháp chính sách chủ yếu; đề xuất một số nội dung nhằm đảm bảo chất lượng nội dung các quy hoạch.

Theo Viện trưởng Lê Đỗ Mười, trong thời gian qua, công tác lập quy hoạch đã được quan tâm và là cơ sở quan trọng cho chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra trong từng thời kỳ, hoạch định và huy động nguồn lực cho phát triển GTVT. Hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch GTVT cũng được đẩy mạnh, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Về công tác thực hiện quy hoạch, Ngành GTVT đã có những bước phát triển đột phá, nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế đã được đầu tư xây dựng, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được nâng lên đáng kể (xếp hạng năng lực và chất lượng hạ tầng tăng từ 95/144 năm 2011 lên 67/137 năm 2019) góp phần phát triển KT-XH, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng vận tải cao hơn khoảng 1,5 lần so với tăng trưởng GDP. Chất lượng vận tải được cải thiện, giảm chi phí logistics (giảm từ 21% xuống còn 17%), góp phần chuyển biến tích cực về trật tự và an toàn giao thông (số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu).

Công tác kết nối các phương thức vận tải, kết nối quốc tế đối với cả 05 phương thức đã từng bước được quan tâm, triển khai làm tiền đề thuận lợi để phát triển trong giai đoạn tới. Một số cảng biển, cảng hàng không tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư theo chiều sâu do đó đã tăng năng lực phục vụ từ 1,2 đến 1,5 lần công suất. Hệ thống cảng biển, cảng, bến thủy nội địa hầu hết được đầu từ bằng nguồn ngoài ngân sách do hành lang pháp lý thuận lợi.

"Công tác quản lý quy hoạch GTVT từng bước được Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm trong việc công bố quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư đảm bảo tính công khai, minh bạch. Công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư ngày càng được chú trọng, nâng cao chất lượng đảm bảo tính khả thi của dự án", ông Lê  Đỗ Mười nhấn mạnh.

Cũng theo Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT, mục tiêu chung của 05 Quy hoạch ngành quốc gia về GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển hệ thống KCHTGT quốc gia đến năm 2030 từng bước đồng bộ, một số công trình hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành hệ thống GTVT hợp lý giữa các phương thức vận tải, góp phần đưa nước ta cơ bản thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, hệ thống GTVT đáp ứng được nhu cầu vận tải với tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 4,4 tỷ tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 6,82%/năm. Khối lượng hàng hóa luân chuyển nội địa đạt 543 tỷ tấn.km, tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,0%/năm.

Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 10,46 tỷ khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 7,33%/năm. Khối lượng hành khách luân chuyển nội địa khoảng 403 tỷ khách.km, tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,28%/năm.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các KCHTGT quốc gia lớn, quan trọng, thiết yếu, có tính chất kết nối vùng miền, kết nối các phương thức vận tải, khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải như: cao tốc, đường vành đai, các nút thắt hạ tầng đường sắt…; các cảng biển lớn ở phía Bắc và phía Nam; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nút thắt hạ tầng đường thủy kết nối vùng và kết nối cảng biển…

Định hướng quy hoạch kết nối hạ tầng giao thông đến năm 2050, trong 05 phương thức vận tải, đường bộ mang tính chất linh hoạt và phải chủ động nhất trong việc kết nối tới các phương thức vận tải khác. Cảng biển và cảng hàng không có những yêu cầu đặc biệt về vị trí, quy mô nên sẽ là phương thức thụ động trong kết nối, được ưu tiên xác định vị trí và yêu cầu đối với các phương thức còn lại phải chủ động kết nối. Đường thủy nội địa có lợi thế tự nhiên trong kết nối với cảng biển, đóng vai trò hỗ trợ đường bộ trong việc thu gom và giải tỏa hàng hóa tại cảng biển. Từng bước đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, cảng hàng không quốc tế quan trọng và các cảng thủy nội địa chính yếu. Xem xét kết nối bằng đường sắt chuyên dung từ các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn và trung tâm logistics trên các hành lang vận tải chính với mạng lưới đường sắt quốc gia.


Đại biểu dự họp tập trung góp ý nhằm đảm bảo chất lượng nội dung Quy hoạch

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Cục chuyên ngành, đơn vị Tư vấn tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện nội dung 05 Quy hoạch chuyên ngành GTVT, tập trung đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng tốt nhất, đồng thời hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, đảm bảo đủ điều kiện trước khi Bộ GTVT trình Chính phủ theo quy định. 

Bộ trưởng chỉ đạo các Cục quản lý chuyên ngành, đơn vị Tư vấn, Vụ Kế hoạch Đầu tư, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thống nhất đưa vào 05 Quy hoạch phần đánh giá chung về thực hiện quy hoạch phát triển GTVT trong giai đoạn vừa qua đã/chưa đạt được gì, nguyên nhân; đánh giá tổng thể nhu cầu phát triển hài hòa các loại hình vận tải để giảm chi phí logistics; từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải phát triển như thế nào. Quan điểm phát triển ngành GTVT là khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông, ưu tiên bổ sung những công trình dự án kết nối để khai thác hiệu quả hệ thống 5 lĩnh vực GTVT và những công trình, dự án cấp bách; chỉ tiêu, sản phẩm đạt được gì. Quy hoạch phải mang tính đột phá trong những năm tới do đó đầu tư những công trình dự án có tính liên kết, khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, từng bước giải quyết cho những vùng khác; ưu tiên cho phát triển giao thông, hình thành hệ thống đường cao tốc, hình thành các hệ thống giao thông để khai thác các cảng biển, phát triển các khu kinh tế trọng điểm. Tư vấn lập quy hoạch phải rà soát cả 5 lĩnh vực; đánh giá đúng thực tế; đưa ra giải pháp để khắc phục hạn chế, giải pháp về vốn, giải pháp thực hiện, lộ trình, hiệu quả kinh tế-xã hội của từng lĩnh vực mang lại; có các đề xuất, khuyến nghị chất lượng về các định hướng, mục tiêu, giải pháp quy hoạch, các dự án ưu tiên đầu tư, huy động nguồn lực nhằm hoàn chỉnh hệ thống giao thông các khu vực…

"Đơn vị Tư vấn phải rà soát kỹ những nội dung nêu trong Nghị quyết Đại hội 13, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 cần được cụ thể hóa trong Quy hoạch từng lĩnh vực, đảm bảo tính pháp lý cao nhất, đưa vào kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 10 năm, 20 năm, 30 năm", Bộ trưởng chỉ đạo.

Đối với một số bộ, ngành, địa phương chưa có văn bản góp ý kiến, Bộ trưởng yêu cầu tổ chức cuộc họp để thống nhất ý kiến về Quy hoạch 5 lĩnh vực. Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch Đầu tư, các Cục rà soát, sớm hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để trình Hội đồng thẩm định Quốc gia trong tháng 4 này.

VH