Vận động toàn dân tham gia tuyên truyền

Ngày 20/04/2021
Để nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và văn hóa giao thông, Thạc sĩ xã hội học Lê Hoàng Lan cho rằng, phải vận động được toàn dân, mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề cùng tham gia lan tỏa cái tốt, phê phán thói hư tật xấu khi tham gia giao thông.

Nhiều năm qua, các hình thức tuyên truyền về văn hóa giao thông tập trung chủ yếu trong vai trò của lực lượng chức năng như: Cảnh sát giao thông, cơ quan phụ trách quản lý giao thông của thành phố, gần đây còn có các trường học, đoàn thanh niên… cùng tham gia. Nhưng từng đó là chưa đủ, cần phải biến văn hóa giao thông thành một tập quán của người dân, được nhắc đến trong từng gia đình, ngõ phố, từng xí nghiệp, nhà máy, hàng quán, chợ búa.

Muốn làm được như vậy, đầu tiên phải tạo ra những nhân tố tuyên truyền cốt lõi. Trong mỗi gia đình phải bắt đầu từ người lớn tuổi nhất, lan tỏa thói quen tốt, nhắc nhở các thành viên cùng chấp hành luật giao thông mỗi ngày. Cha mẹ, con cái cùng nói về giao thông như một nét đẹp cần giữ gìn, học tập lẫn nhau.

Một buổi lễ tuyên truyền ATGT tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Trong các cơ quan, công sở, nhà máy, xí nghiệp cần đưa kiến thức về giao thông vào những bản tin nội bộ, chương trình hoạt động đoàn thể, phong trào, duy trì hàng ngày, hàng tuần để dần dần thấm nhuần vào tư tưởng của người lao động, cán bộ, viên chức. Sau mỗi đoạn thời gian lại có các cuộc thi hoặc sự kiện chung nhằm đánh giá lại mức độ tiếp thu kiến thức về giao thông của từng cá nhân, coi đó là một điều kiện để đánh giá phẩm chất, đạo đức, tôn vinh những người có ý thức, văn hóa giao thông.

Đối với những người lao động, buôn bán tự do, phải kiên trì, bền bỉ, kết hợp cả tuyên truyền tại gia đình lẫn nơi công cộng. Tăng cường các hình thức băng rôn, biểu ngữ, hình ảnh truyền bá kiến thức về giao thông, hậu quả thảm khốc của tai nạn giao thông tại các khu vực tập trung đông người như bến xe, chợ, nhà ga…

Rất nhiều người chưa thể hình dung được thảm trạng của các vụ tai nạn giao thông vì thiếu thông tin, hình ảnh. Hơn nữa, nghề nghiệp tự do cũng khiến họ khó tiếp cận các kênh thông tin liên tục về kiến thức giao thông. Mà đây mới chính là lực lượng đông đảo nhất trong cộng đồng cư dân của Hà Nội. Thành phố cần có các kịch bản tuyên truyền phù hợp với nhóm cư dân này.

Trong các trường học, ngoài việc phổ biến kiến thức về giao thông, cũng cần học hỏi kinh nghiệm giáo dục từ các nước phát triển. Ví dụ như Nhật Bản, trong nhiều buổi giảng dạy về giao thông, các em học sinh được thấy hoặc trực tiếp trải nghiệm cảm giác nguy hiểm khi tham gia giao thông không đúng luật. Trải nghiệm đó khiến các em biết sợ tai nạn, biết quý trọng những kiến thức về giao thông của mình.

Ùn tắc và tai nạn giao thông đang thực sự là một cuộc chiến đối với nhiều đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Nếu không vận động được toàn dân cùng chung tay, chung sức, tận dụng sức mạnh đoàn kết, sự lan tỏa gần gũi của cộng đồng, khó lòng đạt được “chiến thắng”. Khi văn hóa giao thông đã phát triển, nó sẽ trở thành sức mạnh tự nhiên đẩy lui các thói hư - tật xấu đã lan truyền lâu nay trong cộng đồng. Không chỉ khiến người dân tham gia giao thông có ý thức hơn, nó còn khiến cho cả những người thực thi công vụ cũng phải minh bạch, làm đúng luật, không thể thiên vị, làm ngơ trước vi phạm giao thông.

Quan trọng hơn nữa, văn hóa giao thông còn là một thành tố đặc biệt của văn hóa đô thị, góp phần hình thành nên một đại cộng đồng dân cư Hà Nội văn minh, tuân thủ pháp luật, qua đó góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển chung của thành phố, tạo nên hình ảnh một Thủ đô vì hòa bình, đáng sống trong mắt bạn bè quốc tế.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị