Đột phá trong kết cấu hạ tầng giao thông nhờ nâng tầm chất lượng, tiến độ

Ngày 22/04/2021
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải (GTVT), đáp ứng yêu cầu GTVT đi trước một bước để tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hướng hiện đại vào năm 2020”, trong đó đã xác định các định hướng cụ thể cho phát triển hạ tầng giao thông.

Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Ảnh: Kim Cương)

Vững vàng trước thách thức

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành GTVT đã có những bước đột phá, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) được phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Giai đoạn 05 năm 2016 – 2020, Ban cán sự đảng, Đảng ủy và lãnh đạo Bộ GTVT đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, tiến độ dự án, xử lý nghiêm các vi phạm, ban hành tiêu chí đánh giá, xếp hạng năng lực các chủ đầu tư/ban QLDA nhằm siết chặt quản lý các chủ thể,... Bằng những hành động và giải pháp quyết liệt nêu trên đã tạo được sự đột phá trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý chất lượng.

Năm 2020, kinh tế - xã hội Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đi xuống do đại dịch COVID-19, nhiều rủi ro và biến động trong năm 2020 do mưa lũ bất thường xảy ra tại khu vực miền Trung. “Đứng trước những thách thức đó, để hoàn thành mục tiêu chiến lược là đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông vững mạnh, đảm bảo nền tảng cho sự phát triển bền vững cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của một quốc gia, lãnh đạo Bộ GTVT cùng toàn thể cán bộ công nhân viên chức, người lao động ngành GTVT đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu "Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ", với những nỗ lực và quyết tâm nêu trên, công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án ngành GTVT giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 đã đạt được những kết quả nhất định” - theo một lãnh đạo của Bộ GTVT.

“Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ”

Trước giờ hợp long nhịp cuối cùng cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long. (Ảnh: Kim Cương)

Năm 2021 cũng là khởi đầu cho một giai đoạn mới với những thách thức mới của thời đại, Bộ GTVT xác định tiếp tục duy trì thực hiện “Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ”, trong đó xác định rõ, xây dựng KCHTGT là công tác lâu dài, được duy trì, phát huy, cần tạo ra các đột phá nhằm giảm thiểu chi phí, trên cơ sở đạt hiệu quả đầu tư cao nhất, xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông bền vững, tạo dựng niềm tin trong nhân dân.

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ GTVT xây dựng những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp thực hiện cụ thể. Nổi bật trong đó, về thể chế và công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ sẽ thực hiện tốt chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành, tiếp tục rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bổ sung những quy định còn thiếu, sức đổi những quy định còn chồng chéo, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là đối với chủ đầu tư/ban quản lý dự án; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ một số quy định cho phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

Cùng với đó là rà soát chuyển đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn, tăng cường áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật mới. Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng, chuyển đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành GTVT, rà soát, xây dựng bổ sung hoặc sửa đổi các quy trình, quy phạm liên quan đến lĩnh vực xây dựng KCHTGT còn thiếu hoặc lạc hậu, không còn phù hợp với công nghệ thi công hiện tại. Mặt khác phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp kết cấu, vật liệu phù hợp để áp dụng linh hoạt tại các vùng miền khác nhau, các điều kiện về nguồn vật liệu và điều kiện thi công khác nhau. Tăng cường áp dụng công cụ quản lý mới như mô hình thông tin công trình - BIM, quét dữ liệu công trình 3D, quay chụp ảnh quản lý tiến độ, chất lượng,...

Trong công tác quản lý giá thành xây dựng, xây dựng, điều chỉnh định mức, Bộ GTVT sẽ tập trung cao cho công tác kiểm soát giá thành xây dựng, rà soát lựa chọn giải pháp kỹ thuật - công nghệ hợp lý để lựa chọn phương án tối ưu. Chủ động thực hiện kế hoạch xây dựng, điều chỉnh định mức, tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng để triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá xây dựng đã được Chính phủ phê duyệt.

Công tác quản lý đấu thầu cũng sẽ tăng cường quản lý công tác đấu thầu qua mạng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ đầu tư/ban quản lý dự án có trách nhiệm xây dựng hồ sơ mời thầu đảm bảo các tiêu chí đánh giá, xét thầu phù hợp quy định của pháp luật, phù hợp với tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu, dự án; đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm. Tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn, quản lý thầu phụ, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hành vi chuyển nhượng thầu, bán thầu trái pháp luật.

Thực hiện đề án đổi mới công tác quản lý đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực GTVT, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức, thiết lập hệ thống kiểm tra, kiểm soát và xây dựng quy chế quản lý nội bộ liên quan đến công tác quản lý dự án, Bộ GTVT đã ban hành Đề án đổi mới và quy định phân cấp ủy quyền trong quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công do Bộ làm chủ đầu tư, đảm bảo chuyên môn hóa, chuyên nghiệp theo lĩnh vực và khu vực.

Nâng tầm chất lượng

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long hoàn thành đầu năm nay với những công nghệ hiện đại
giải quyết vấn nạn sửa xong lại hỏng như những năm trước đây (Ảnh: KC) 

Đối với công tác quản lý chất lượng, tiến độ, Bộ GTVT khẳng định sẽ tiếp tục đôn đốc đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án KCHTGT, đặc biệt là các dự án trọng điểm của ngành như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông “là dự án mẫu mực, chống tham nhũng, đảm bảo chất lượng, tiến độ”,... Tập trung chỉ đạo bám sát tiến độ thực hiện các dự án trong năm 2021.

Bộ GTVT sẽ khởi công: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông các dự án thành phần còn lại, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án ODA (kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ các gói thầu còn lại);… Đồng thời khánh thành: Các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách; các dự án sử dụng vốn dư QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Tập trung chỉ đạo bám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm về chất lượng công trình.

Cùng với đó, Bộ GTVT quyết tâm nâng cao chất lượng công tác tư vấn và công tác thẩm tra, thẩm định: Tăng cường chất lượng công tác tư vấn, thẩm tra đối với các dự án đã và đang triển khai xây dựng, nâng cao công tác thẩm định thiết kế, dự toán các công trình, dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu. Trong công tác giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư/ban QLDA phối hợp với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là thể chế, chính sách liên quan đến công tác GPMB, các hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu tái định cư; tham mưu Bộ GTVT tổ chức họp với địa phương định kỳ và đột xuất nhằm giải quyết các vướng mắc cụ thể đối với từng dự án.

Mặt khác, công tác bảo hành công trình sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà đầu tư thường xuyên theo dõi tình trạng công trình trong giai đoạn bảo hành, chủ động kiểm tra hiện trường, khắc phục các hư hỏng (nếu có) đảm bảo khai thác tuyệt đối an toàn. Kiên quyết xử lý các đơn vị chậm trễ trong việc thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình. Công tác giải ngân vốn cho các dự án sẽ tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân cho các dự án kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để hoàn thành theo đúng kế hoạch vốn được giao.

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam