Hàng hải tăng tốc “số hóa” đào tạo thuyền viên

Ngày 23/04/2021
Nhu cầu chuyển đổi số toàn cầu và ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc “số hóa” đào tạo thuyền viên cấp thiết hơn.

Chiều 22/4, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyển đổi số trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tại Hội thảo, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên ở Việt Nam đang đi vào chiều sâu, ngày càng được nâng cao về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực giảng dạy và thu hút người học. Với lực lượng chuyên ngành hàng hải, trung bình hàng năm có khoảng 2.000-3.000 người được đào tạo tốt nghiệp các hệ: đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Con số này vẫn tiếp tục có xu hướng tăng lên.

Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang, phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, trước xu thế “số hóa” toàn cầu cùng với những khó khăn do đại dịch Covid-19 đòi hỏi các cơ sở đào tạo thuyền viên, hoa tiêu hàng hải phải thực hiện chuyển đổi số chương trình đào tạo. Việc xây dựng đề án áp dụng công nghệ số vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực hàng hải trở nên cấp thiết.

Theo ông Nguyễn Văn Thư, Cố vấn Công ty UT-STC cho rằng, việc đào tạo, huấn luyện lực lượng thuyền viên đòi hỏi cách tiếp cận linh hoạt và liên tục. Hình thức học tập từ xa thông qua các hệ thống mô phỏng, môi trường thực tế ảo sẽ cho phép thuyền viên được tiếp tục học tiếp trong khi vẫn thực hiện công việc của mình. Về cơ sở pháp lý về việc đào tạo nhân lực hàng hải từ xa, ông Nguyễn Văn Thư cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đã công nhận một phần đào tạo trực tuyến bằng Thông tư số 12/2016 và Thông tư số 09/2021. Đối với việc huấn luyện và cấp giấy chứng nhận cho thuyền viên làm việc trên tàu biển chạy quốc tế, mục B-1/6 yêu cầu về huấn luyện thuyền viên theo Công ước STCW cũng công nhận việc huấn luyện từ xa, trực tuyến.

“Tuy nhiên, Công ước STCW chưa thừa nhận hình thức đào tạo từ xa và học trực tuyến toàn phần. Vấn đề này dù đã được trình lên IMO từ tháng 2/2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa được thảo luận”, ông Thư cho hay.

Các cơ sở đào tạo cũng nên nghiên cứu lựa chọn những học phần khả thi nhất để thí điểm đào tạo/huấn luyện trực tuyến, không nhất thiết phải “số hóa” 100% chương trình đào tạo”, ông Thư nói.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam  Hoàng Hồng Giang cho rằng, dù còn nhiều thử thách, nhưng việc chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực hàng hải là xu thế bắt buộc. Do vậy, các cơ sở đào tạo huấn luyện thuyền viên cần tiến hành chuyển đổi số từng bước. Trước mắt là theo xu hướng học kết hợp. Khi đủ kinh nghiệm, kỹ năng, học liệu trên mạng thì “trực tuyến hóa” 100% chương trình đào tạo.

“Ngay từ bây giờ phải tạo thể chế, dữ liệu, triển khai các công nghệ nền tảng để đảm bảo an toàn thông tin, kiểm soát chất lượng đầu ra, chất lượng dạy học, để đào tạo trực tuyến”, ông Giang nói.

Phó cục trưởng Hoàng Hồng Giang cũng cho biết thêm, tới đây, Cục Hàng hải sẽ tiếp tục trao đổi với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) để có chủ trương triển khai chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, ít nhất chúng ta phải mở được hành lang pháp lý để có thể cơ sở tiến hành số hóa chương trình đào tạo.

N.K