Ngành GTVT quán triệt nguyên tắc “3 không” làm phương châm hành động

Ngày 28/04/2021
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại buổi Giao ban định kỳ tháng 4 và triển khai nhiệm vụ Tháng 5/2021 của Bộ Giao thông vận tải, chiều nay (28/4).
Buổi làm việc theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu tại Bộ GTVT tới các đơn vị trực thuộc.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi Giao ban định kỳ Tháng 4
và triển khai nhiệm vụ tháng 5/2021

Ngành GTVT quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông báo nhanh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT hôm 27/4 vừa qua về tình hình chung của Bộ GTVT, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và đưa ra định hướng về các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho ngành GTVT phát triển.

Theo Bộ trưởng, tại buổi làm việc tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã gợi mở, định hướng tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề trong chỉ đạo, điều hành để giải quyết công việc của Bộ GTVT. Thủ tướng nêu rõ, khi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, cần quán triệt nguyên tắc “3 không”: Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm (vì có khó khăn thì mới nhờ đến Bộ).

Chức năng, nhiệm vụ và công việc của ngành là rất nặng nề, khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, lãnh đạo cần quán triệt tinh thần “nghĩ phải chín, phải kỹ; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, hiệu quả; làm có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào thì dứt điểm việc đó”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo rõ các nhiệm vụ mà Ngành GTVT phải làm trong thời gian sắp tới.

Kích hoạt lại các kịch bản phòng chống Covid-19 phù hợp tình hình mới

Nhận định tình hình dịch bệnh Covid đang trở nên hết sức phức tạp trên thế giới, nguy cơ lây lan trong cộng đồng  và đặc biệt trên các phương tiện công cộng nước ta là hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên Ngành GTVT không được lơ là, chủ quan.

Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông đồng thời có phương pháp phòng chống dịch hiệu quả tại nhà ga, bến tàu, trên phương tiện của các loại hình vận tải …

”Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 để triển khai mạnh mẽ, nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo rõ.

   Cụ thể, về công tác quản lý Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phải có chiến lược và chương trình hành động cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và phải hết sức chú trọng công tác quy hoạch. Các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ đang xây dựng phải kết nối chặt chẽ với nhau, thành mạng lưới giao thông tổng thể quốc gia. Từ quy hoạch, phải xác định được các dự án trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh: “Có quy hoạch tốt, có dự án tốt, ắt sẽ có nhà đầu tư tốt”.

Bộ GTVT cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền, giao cho địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án trên  địa bàn của mình và một lần nữa, Thủ tướng nhắc lại cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tăng cường kiểm tra, giám sát để phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

 Phải làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Ưu tiên lĩnh vực nào thì phải có cơ chế, chính sách cho lĩnh vực đó để thu hút các nhà đầu tư. Nếu nói ưu tiên mà không có cơ chế chính sách thì sẽ không làm được.

Về vấn đề huy động nguồn lực, Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, mà Bộ còn gặp nhiều khó khăn, do đó, phải phát huy tính tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh hình thức hợp tác công-tư và một số hình thức đầu tư khác, tham khảo các mô hình hiệu quả từ các nước tiên tiến, nhất là từ các địa phương trong nước đã làm có hiệu quả.

Tại buổi Giao ban định kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ cụ thể hoá các chỉ đạo của Thủ tướng thành các chuyên đề, các nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng đồng chí  lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực cũng như các cơ quan chuyên ngành trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đồng chí Thứ trưởng, các đồng chí lãnh đạo đơn vị vị bám sát nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, nhất là các nhiệm vụ được giao trong chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021; các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao.

Cụ thể,  bám sát chương trình công tác của Chính phủ, của Bộ năm 2021, chủ động hoàn thiện các dự thảo văn bản QPPL, đề án, bảo đảm chất lượng và trình đúng hạn, nhất là 05 Đề án quy hoạch phải trình Chính phủ trong quý II/2021; Vụ Đối tác công tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành đàm phán, ký kết Hợp đồng và thực hiện các công việc chuẩn bị triển khai thi công 03 dự án án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đầu tư theo hình thức PPP; phối hợp với Vụ KHĐT và các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các đoạn còn lại trên tuyến Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông và chủ trương đầu tư 5.000 km cao tốc đến năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để báo cáo Chính phủ ngày 04/5/2021, Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến, làm cơ sở báo cáo Quốc hội khóa XV. Hoàn thiện báo cáo Chính phủ phương án bố trí NSNN hỗ trợ các dự án có doanh thu thấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các Cục quản lý chuyên ngành phải rà soát lại chương trình hành động, nhiệm vụ ngắn hạn và dài hạn trong nhiệm kỳ, xem lĩnh vực mình quản lý còn vướng mắc ở đâu, cấp nào? Cần Bộ cũng như Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ những gì để làm tốt nhiệm vụ?

Nhiều mặt công tác đạt kết quả tích cực

Báo cáo tại buổi Giao ban, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức cho biết, trong tháng 4/2021, hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đều được Bộ chỉ đạo quyết liệt và các cơ quan, đơn vị tập trung, triển khai. Một số mặt công tác đạt được kết quả tích cực như tình hình bảo đảm TTATGT chuyển biến tốt, TNGT tháng 4 giảm cả 3 tiêu chí; kết quả giải ngân vốn đầu tư các dự án đã có cải thiện; các dự án trọng điểm của ngành, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam phía Đông được tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt; công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 được triển khai kịp thời...

„Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt công tác của Bộ gặp khó khăn như: vẫn còn vướng mắc thủ tục đối với một số dự án nên chưa thể giao toàn bộ số vốn đầu tư năm 2021; các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai theo kế hoạch”, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức nhấn mạnh.

Cụ thể, về công tác đảm bảo TTATGT, Bộ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao  thông (TTATGT) đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Công điện về phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2021; yêu cầu yêu cầu tăng cường, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh tại các Cảng hàng không sân bay, trong đó xác định vai trò người đứng đầu các đơn vị Cảng hàng không sân bay phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật khi để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong phạm vi phụ trách.

Bộ đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác quản lý, chất lượng các công trình giao thông như xử lý vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đẩy nhanh tiến độ, quản lý chất lượng, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của ban QLDA trong công tác lựa chọn nhà thầu đối với một số Dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Về công tác giải ngân, theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Quang Giang cho biết, về nguồn vốn đầu tư công, đến nay Bộ đã giao chi tiết 38.543/42.995 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 89,6%); còn lại 4.452 tỷ đồng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để giao chi tiết kế hoạch. Tính đến hết tháng 4 năm 2021, dự kiến giải ngân được 10.858 tỷ đồng, gồm 10.814 tỷ đồng kế hoạch năm 2021 (28%); 44 tỷ đồng (42%) kế hoạch năm 2020 kéo dài và đạt 25% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tháng 04/2021 dự kiến giải ngân kế hoạch được 4.011 tỷ đồng, vượt kế hoạch đăng ký khoảng 507 tỷ đồng. Một số Chủ đầu tư, Ban QLDA có kết quả giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả Bộ như: Ban QLDA 2, Ban QLDA công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk.

“Trong 4 tháng năm 2021, Bộ đã thực hiện phê duyệt quyết toán được 6/6 dự án, hạng mục công trình với giá trị duyệt là 2.425 tỷ đồng, đạt 100 % kế hoạch giao. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã duyệt quyết toán được 12/12 dự án, hạng mục công trình, giá trị duyệt 3.447 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch của 4 tháng”, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Quang Giang khẳng định.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vụ Quản lý đối tác công tư cũng cho biết, đối với các dự án triển khai theo hình thức PPP, Bộ GTVT đang phối hợp với Nhà đầu tư hoàn thiện hợp đồng, dự kiến khởi công trong quý II/2021 đối với 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đầu tư theo hình thức PPP đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ngày 26/4/2021, Bộ đã báo cáo Thường trực Chính phủ dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số tuyến cao tốc trọng điểm khác để sớm trình Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Về công tác vận tải, theo Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc, Bộ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải. Chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình; giải quyết tình trạng ùn ứ tại nhà ga cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đồng thời có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực vận tải do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Cũng trong tháng 4/2021, Bộ đã xử lý 16 điểm đen phát sinh, điểm tiềm ẩn TNGT; thẩm định ATGT đối với 02 dự án trong giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác. Các lực lượng chức năng tại các Trạm KTTTX cố định, di động và sử dụng cân xách tay trên toàn quốc đã tiến hành kiểm tra 7.710 xe, trong đó có 946 xe vi phạm, tước 287 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc nhà nước 10 tỷ đồng. Chỉ đạo Tổng cục ĐBVN xây dựng phương án sửa chữa Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh để ưu tiên nguồn lực hàng năm thực hiện công tác bảo trì đối với các tuyến đường này.

Về công tác đảm bảo TT ATGT, trong 04 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 4.220 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.165 người, bị thương 3.113 người. So với 4 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 290 vụ (giảm 6,43%), số người chết tăng 27 người (tăng 1,26%), số người bị thương giảm 192 người (giảm 5,81%). Riêng tháng 4/2021, cả nước xảy ra 1.014 vụ, làm chết 493 người và làm bị thương 727 người. So với tháng cùng kỳ năm 2020 giảm 27 vụ (giảm 2,59%), giảm 6 người chết (giảm 1,2%), giảm 9 người bị thương (giảm 1,22%)…

Hoài Lâm