Triển khai mạnh mẽ các giải pháp đảm bảo ATGT

Ngày 13/05/2021
Mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông (TNGT) ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tiếp tục nhận được sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều chủ trương lớn được ban hành.

 Lực lượng chức năng ra quân thực hiện nhiệm vụ trong Năm ATGT 2021. 

Giảm mạnh tai nạn giao thông

Triển khai chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt theo hướng cụ thể hóa 05 trụ cột về an toàn giao thông (ATGT), gồm: Quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau TNGT bằng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách, cũng như trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia trong 5 năm (tính từ ngày 15/10/2015 - 14/10/2020), số vụ TNGT trên toàn quốc đã xảy ra là 94.024 vụ, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 70.085 vụ (-42,71%), giảm 9.372 người chết (-19,01%), giảm 90.628 người bị thương (-53,91%).

Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, với điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng so với giai đoạn 2011 - 2015 (cụ thể: Ô tô tăng 58,69% và mô tô tăng 50,88%) nhưng TNGT cơ bản đã được kiềm chế và giảm sâu cả 03 tiêu chí so với giai đoạn trước đây, cụ thể: Số vụ giảm (-42,71%), số người chết giảm (-19,01%) và số người bị thương giảm (-53,91%).

Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trong giai đoạn 2016 - 2020, số người chết vì TNGT đã giảm hơn 9.372 người so với giai đoạn 2011 - 2015 (giảm 19%), nhưng trong 5 năm qua vẫn có hơn 39.917 người chết vì TNGT; bên cạnh đó, còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vi phạm TTATGT vẫn còn diễn ra khá phổ biến, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng TNGT. Trong khi phương tiện tham gia giao thông tiếp tục tăng, cơ sở hạ tầng giao thông tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chưa giải quyết được triệt để đang là vấn đề bức xúc của xã hội.

Thực tế cho thấy tình hình TTATGT hiện nay và xu hướng giai đoạn 2021 - 2025 vẫn có diễn biến phức tạp; số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn còn ở mức cao; vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, một số địa phương để xảy ra số người chết do TNGT tăng trong 05 năm qua, như: Bến Tre tăng 39,6%, Hải Dương tăng 7,1% và Tiền Giang tăng 6,7% ... Năm 2020, TNGT đường thủy tăng cao về số vụ (tăng 7,27%) và số người chết (tăng 79,17%).

Ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đánh giá về bối cảnh TTATGT trong thời gian tới, ông Khuất Việt Hùng cho biết, bước vào năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, trong bối cảnh sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu vận tải hàng hoá, đi lại trong nước cũng như quốc tế sẽ tăng cao.

Đặc biệt, giai đoạn này là nền tảng để xây dựng, phát triển, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực đời sống, xã hội, trong đó có lĩnh vực ATGT. Vì vậy, để tiếp tục mục tiêu kiềm chế và làm giảm TNGT, xây dựng hệ thống giao thông an toàn, hiện đại, thân thiện môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới; công tác bảo đảm TTATGT tiếp tục đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Do đó, trong giai đoạn này, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết là tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2018 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2013 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2017 - 2021.

Cùng với đó là thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để kịp thời ứng dụng và phát triển các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác bảo đảm TTATGT ở tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải.

Trước mắt tập trung hoàn thiện theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV để đáp ứng các mục tiêu về ATGT trong thời kỳ mới.

Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về bảo đảm TTATGT các lĩnh vực giao thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Đề án, Chiến lược đã được phê duyệt, như: “Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”; Đề án “các giải pháp bảo đảm TTATGT đường thủy - trong tình hình mới”.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT; đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ GTVT với Bộ Công an và UBND các tỉnh để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu lực thi hành pháp luật về bảo đảm TTATGT.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng thực thi công vụ về xử lý vi phạm về TTATGT; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, đăng kiểm phương tiện tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực.

Tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc

Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường địa phương trọng yếu theo quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả các đối tượng tham gia giao thông; tiếp tục rà soát, triển khai xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh để bảo đảm việc vận hành, khai thác an toàn mạng lưới giao thông liên vùng, trên các tuyến đường bộ cao tốc và các quốc lộ trọng yếu.

Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành để tăng thị phần vận tải các lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lớn trong để tiến tới hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn.

Nâng cao chất lượng kiểm tra an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong tình hình mới đối với tàu biển theo Đề án “Duy trì đội tàu biển Việt Nam trong Danh sách Trắng - Xám của Tokyo MOU”. Rà soát khu neo đậu, tránh trú bão để thực hiện điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm an toàn trong hoạt động hàng hải.

Cập nhật Chương trình An toàn hàng không quốc gia theo quy định của Phụ lục 19 Công ước Chicago của ICAO SARPs. Mở rộng cơ sở dữ liệu quản lý an toàn hàng không (CASORT) đối với các lĩnh vực quản lý hoạt động bay và quản lý cảng hàng không sân bay./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản VN