Đoàn đại biểu Cục Hàng hải Việt Nam tham dự phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Đoàn đại biểu của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang đã gửi lời chúc sức khỏe tới toàn thể đại biểu tham dự đến từ các quốc gia thành viên và bày tỏ mong muốn Ủy ban sẽ làm việc hiệu quả và thành công trong kỳ họp này.
Theo Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành hàng hải thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có lĩnh vực vận tải biển. Cùng với các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19, vắc xin là công cụ quan trọng giúp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Việc đưa thuyền viên (không phân biệt quốc tịch) vào danh sách ưu tiên tiêm chủng phải là một bước tạo thuận lợi hơn nữa về điều kiện và an toàn cho thuyền viên.
Tại phiên họp, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đã khẳng định sự nỗ lực và quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể từ Trung ương đến địa phương. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đã ban hành Văn bản số 3495/BGTVT-BCĐ ngày 20/4/2021 gửi Ban chỉ đạo quốc gia Covid-19 về việc đẩy nhanh việc tiêm chủng miễn phí cho người làm việc trong ngành giao thông vận tải, trong đó có thuyền viên.
“Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên IMO khác và các tổ chức quốc tế để ưu tiên thuyền viên trong chương trình tiêm chủng Covid-19 quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển an toàn qua biên giới càng sớm càng tốt, góp phần vào sự phát triển bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu” - Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định.
Được biết, các đoàn đại biểu tham dự đã đánh giá rất cao về đề xuất của Việt Nam và dành hẳn một buổi để bàn thảo vấn đề này, đồng thời thành lập một nhóm riêng để soạn thảo Nghị quyết riêng của Phiên họp về những hành động được khuyến nghị thực hiện để ưu tiên thuyền viên được tiêm chủng ngừa Covid-19.
Toàn cảnh phiên họp trực tuyến
Trích đoạn nội dung của Dự thảo như sau:
“Khuyến nghị các Quốc gia Thành viên và các cơ quan chức năng liên quan:
1. Ưu tiên thuyền viên trong các chương trình tiêm vắc xin Covid-19quốc gia, lưu ý đến các hướng dẫn của Lộ trình WHO SAGE 5 về việc ưu tiên sử dụng vắc xin Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung hạn chế được công bố vào tháng 11 năm 2020, trong đó nhân lực vận tải đã được đưa vào kịch bản III. Xem xét việc mở rộng tiêm vắc xin Covid-19 cho các thuyền viên thuộc các quốc tịch khác, tính đến khả năng cung cấp vắc xin của quốc gia.
2. Xem xét việc miễn cho thuyền viên khỏi bất kỳ chính sách quốc gia nào yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng Covid-19 như một điều kiện để nhập cảnh, trong bối cảnh thuyền viên được chỉ định là “nhân lực chủ chốt”, vì họ thường xuyên di chuyển qua biên giới.
3. Xây dựng các kế hoạch phù hợp, trong khả năng, để cung cấp cơ sở hạ tầng và phương tiện cần thiết để hỗ trợ việc tiêm chủng Covid-19 cho thuyền viên”.
Phải khẳng định rằng, việc tham dự đều đặn và tích cực vào các cuộc họp của các Ủy ban chuyên trách vừa thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên đối với IMO, vừa góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam tại IMO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung. Đặc biệt tại kỳ họp MSC 103 này, lần đầu tiên Việt Nam đệ trình Ban thư ký MSC 103 xem xét thông qua đề xuất ban hành Nghị quyết về ưu tiên đưa thuyền viên (không kể quốc tịch) vào chương trình tiêm chủng vắc xin của các quốc gia thành viên.
Trước đó, Tổng Thư ký IMO Kitack Lim đã gửi thư tới Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết khủng hoảng thuyền viên; đồng thời, đề nghị Việt Nam tham gia thảo luận chi tiết tại MSC 103 về đề xuất ý tưởng nêu trên.
Ngọc Hân