“Học tập Bác sự khiêm tốn, không để cái tôi cá nhân lấn át công việc”

Ngày 25/05/2021
Đó là phương châm sống của chị Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Dù ở cương vị nào, chị cũng đều không ngừng học hỏi, khiêm tốn tiếp thu những điều mới, lắng nghe để nắm được "sức sống" của các văn bản pháp luật trong thực tế.

Chị Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục ĐBVN

Gần 20 năm gắn bó với công việc pháp chế, chị Hạnh cho biết đây là công việc yêu cầu cao về am hiểu cuộc sống, từ đó tham gia xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đưa ra những văn bản pháp luật hợp lòng dân và "sống" được trong thực tế. Vậy nên, để làm tốt công việc, người làm pháp chế phải thực sự cầu thị, giảm đi "cái tôi" để lắng nghe, tiếp nhận đầy đủ, đa dạng thông tin từ người dân, doanh nghiệp, truyền thông. Người làm pháp chế còn phải biết phối hợp với các đồng nghiệp, các bộ phận chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực để cùng tìm phương án giải quyết tốt nhất trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Chị Hạnh phân tích: "Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đường bộ có độ phủ rộng, tác động lớn đến đời sống xã hội như: Các văn bản liên quan đến quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, an toàn giao thông đường bộ và biến động… Tính chất công việc phức tạp đòi hỏi tôi phải nghiên cứu chuyên sâu, kịp thời, đặc biệt những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc. Tôi nghĩ rằng mình không có chuyên môn ở tất cả các lĩnh vực, vậy nên tôi luôn đầu tư rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, học hỏi".

Có lẽ nhờ sự khiêm tốn đó cộng với đức tính hiền hậu, thân thiện, sống "thấu tình đạt lý" mà chị Hạnh luôn góp phần đưa ra những văn bản bám sát thực tế cuộc sống. Có thể kể đến là Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định 100). Chị chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định trên. Có thể thấy, các quy định về tăng mức xử phạt đối với những vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đã tạo hiệu ứng tích cực, không ít người thừa nhận cứ nâng chén lên là nghĩ đến Nghị định 100. 

Chị Hạnh đã có gần 20 năm gắn bó với công việc pháp chế.

Khó khăn lớn nhất khi xây dựng Nghị định là việc truyền tải thông tin đầy đủ, kịp thời đến với người dân để người dân hiểu rõ các dự thảo quy định đó, tạo được sự đồng thuận từ lúc xây dựng. Các quy định trong Nghị định nhiều và cụ thể nên chúng tôi phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn thông tin, giải thích với người dân để truyền tải thông tin hiệu quả. Ngoài việc chủ động thông tin, chúng tôi còn tiếp tục lắng nghe, kịp thời giải đáp, phản hồi ý kiến góp ý, kiến nghị của người dân. Việc xây dựng Nghị định chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi lẽ, Nghị định vừa đảm bảo tính răn đe, tính khả thi trong thực tiễn, vừa phù hợp với tính chất mức độ của hành vi, sự hài hoà, đồng bộ trong toàn bộ lĩnh vực…", chị Hạnh bày tỏ.

Chị Hạnh còn luôn quan tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Mục đích bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính. Loại bỏ sự rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Cách thức thực hiện là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cấp mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để chia sẻ, dùng chung…

Điển hình là giải quyết các thủ tục liên quan đến vận tải đường bộ được ưu tiên giải quyết trên mạng để rút ngắn thời gian. Hay giảm thiểu các loại giấy tờ do sử dụng dữ liệu dùng chung như giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới, người dân không phải photo mà chỉ cần điền thông tin và người giải quyết thủ tục có thể tra cứu trên hệ thống dữ liệu.

Chị Hạnh cho biết, bây giờ nhìn lại thấy bản thân đã bền bỉ vượt qua khó khăn để góp phần đưa những văn bản pháp luật "sống" được trong thực tế và tạo ra nhiều tín hiệu tích cực đến vậy. "Tôi đã học tập sự khiêm tốn từ tấm gương của Bác. Khi khiêm tốn, tôi thấy dễ dàng tiếp nhận cái mới, chấp nhận sự khác biệt, không để cho cái tôi của mình lấn át. Kết quả là công việc thuận lợi hơn. Việc sống giản dị giúp tôi giảm thiểu áp lực về vật chất, dễ dàng hơn trong cân bằng giữa công việc, gia đình và thực hiện các hoạt động xã hội khác", chị chia sẻ.

Chị Hạnh là 1 trong số 43 cá nhân vừa được nhận Bằng khen của Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Nguồn: Báo Phụ nữ Vệt Nam