Chủ tịch Hồ Chí Minh với Người cao tuổi

Ngày 04/06/2021
Sau ba mươi năm xa Tổ quốc, tìm đường cứu nước, ngày 8 tháng 2 năm 1941, Hồ Chủ tịch bí mật về đến Pắc Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, để cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Bác Hồ thăm hỏi người cao tuổi (Ảnh tư liệu)

Ngày 19/5/1941, Hồ Chủ tịch thành lập Mặt trận Việt Minh, và ngay sau đó, Người tự tay viết thư gửi phụ lão cả nước. Trong thư, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh những nhiệm vụ hết sức trọng đại của phụ lão đối với đất nước đồng thời đánh giá cao vai trò của phụ lão đối với Tổ quốc, làng xóm và gia đình. Người tin tưởng sâu sắc ở khả năng to lớn và tinh thần hăng hái đóng góp của phụ lão đối với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc. Người viết: 

"... Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. 

Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui các cụ đều cùng được vui. 

... Những hành động, nghĩa cử cứu nước từ trước đến sau đều do các vị phụ lão đương thời gây dựng nên, vun đắp nên, nhuần tưới nên. 

... Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão". 

Từ đó, mặc dù bận trăm công ngàn việc, ngay cả khi nước nhà ở trong tình thế gay go nhất, Người vẫn luôn luôn dành cho phụ lão những tình cảm đặc biệt. Người thường xuyên gặp gỡ, viết thư thăm hỏi, động viên các tập thể, cá nhân phụ lão, đồng thời nhắc nhở cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp có kế hoạch chăm lo sức khỏe và cuộc sống phụ lão. 

Năm 1947, có ba cụ lão du kích ở Cao Bằng hăng hái xung phong cùng nhân dân giết giặc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng các cụ bài thơ: 

"Tuổi cao chí khí càng cao, 

Múa gươm giết giặc ào ào gió thu. 

Sẵn sàng tiêu diệt quân thù, 

Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng". 

Năm 1960, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc... các cụ phụ lão ở Nam Định đã tham gia rất hăng hái. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư động viên, khen ngợi: 

"... Càng già, càng dẻo lại càng dai, 

Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai. 

Đôn đốc con em làm nhiệm vụ, 

Vuốt râu mừng xã hội tương lai." 

Cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định, có 8 người con, trong đó 6 người tham gia kháng chiến, mà 4 người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc. Tháng 9-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thăm cụ Yên trong thư có đoạn: "... Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: 

"Một nhà trung hiếu, 

Muôn thuở thơm danh". 

Nhân dịp này, tôi xin biếu cụ một cái áo mà đồng bào đã biếu tôi..." 

Đối với người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phản đối quan niệm "lão già an chi" và "lão lai tài tận" (tuổi cao thì an phận nghỉ ngơi, và tuổi càng cao thì tài cũng hết). 

Năm 1950, Hồ Chủ tịch tròn 60 tuổi, và thuộc lớp người cao tuổi. Nhưng Người quên cả tuổi già, luôn luôn lạc quan cách mạng, đúng như nhà thơ Tố Hữu viết "Hồ Chí Minh, trẻ mãi không già". Và Người cho rằng tuổi 60 vẫn còn xuân: 

"Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán 

So với ông Bành vẫn thiếu niên..." 

Năm 1964, Hồ Chủ tịch đã qua tuổi "thất thập cổ lai hy". Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 3, Người nói: "... Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội. Về phần tôi: 

Bảy mươi tư tuổi vẫn không già 

Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta..." 

Năm 1968, với tuổi 78, tâm hồn Hồ Chủ tịch vẫn giữ được nét thanh xuân và Người đàng hoàng tuyến bố: 

"Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm 

Vẫn giữ hai vai việc nước nhà. 

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn, 

Tiến bước! Ta cùng con em ta" 

Kể từ ngày Hồ Chủ tịch gửi bức thư đầu tiên - ngày 19 tháng 5 năm 1941 - cho phụ lão cả nước, người cao tuổi nước ta tiếp thu những quan niệm về tuổi tác và những lời chỉ bảo ân cần của Người, đã góp phần to lớn cùng toàn dân, hoàn thành cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước và đang ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam