Bình Thuận phấn đấu đến hết 2025 xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở qua đường sắt

Ngày 04/06/2021
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐTTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, giai đoạn đến hết năm 2021, tỉnh Bình Thuận tiếp tục phối hợp với các đơn vị đường sắt thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ, bảo đảm an toàn tại các lối đi tự mở đã được xóa bỏ và các vị trí đang tổ chức cảnh giới; không để xảy ra tình trạng tháo dỡ các lối đi tự mở đã rào, xóa bỏ.

Giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại (bao gồm các vị trí đang tổ chức cảnh giới); đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm không để xảy ra tình trạng tháo dỡ các lối đi tự mở đã rào, xóa bỏ trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Để triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và thành phố Phan Thiết rà soát diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý thu hồi diện tích đất đã cấp theo quy định pháp luật. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan quản lý đường sắt rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, các công trình gây ảnh hưởng mất an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ, chống lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt. Có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải xây dựng các đường ngang, cầu vượt qua đường sắt để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở. Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, các đơn vị thuộc ngành đường sắt và UBND các địa phương có tuyến đường sắt đi qua thường xuyên kiểm tra, có biện pháp hiệu quả bảo đảm an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, đặc biệt tại các đường ngang có tình hình giao thông phức tạp, có nhiều phương tiện qua lại.

Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương thường xuyên kiểm tra các lối đi tự mở, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá hoại công trình đường sắt, các lối đi tự mở đã rào xóa bỏ, mở lối đi mới; kiểm tra, xử lý các phương tiện tham gia giao thông đường bộ qua các đường ngang vi phạm Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ.

PV