Ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

Ngày 16/06/2021
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Đây là một bước ngoặt quan trọng của công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển Chính phủ số nói riêng của Việt Nam.

Lần đầu tiên đưa ra nội hàm khái niệm chính phủ số

Bản Chiến lược đã đưa ra quan điểm rõ ràng về Chính phủ số. Theo đó sẽ phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển, quản lý kinh tế-xã hội. 

Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển chính phủ số chính là nói phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số đã bao hàm chính phủ điện tử.  

Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản, là “bốn Không”, có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ số là chính phủ điện tử, thêm “bốn Có”, có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. 

Mục tiêu cao, tầm nhìn lớn 

Bản Chiến lược đặt ra một sứ mệnh và mục tiêu lớn cho tiến trình phát triển chính phủ số của Việt Nam: Đến năm 2025, chỉ số phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số của Việt Nam ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu, và đến năm 2030 thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. 

Cụ thể, Chiến lược xác định rõ năm mục tiêu đến năm 2025. Thứ nhất, cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội. Cơ quan nhà nước cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính phục vụ xã hội trên toàn quốc. Cung cấp dịch vụ mới một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. 

Thứ hai, huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội. Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN), phản ánh những vấn đề của xã hội xung quanh mình tới CQNN và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia của mình. Doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển những dịch vụ mới, sáng tạo, giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của CQNN. 

Thứ ba, vận hành tối ưu các hoạt động của CQNN. CQNN thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu, công nghệ số. 100% CQNN cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số

Thứ tư, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng; mỗi người dân có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân; mỗi học sinh, sinh viên có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; mỗi người nông dân có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc.

Thứ năm, thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia. Theo đó, xếp hạng quốc gia của Việt Nam về phát triển CPĐT, Chính phủ số theo đánh giá của Liên Hợp Quốc có sự thay đổi đột phá. Cụ thể: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tham gia điện tử; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số dữ liệu mở.

Ngoài ra, Chiến lược cũng nêu rõ, lần đầu tiên các địa phương sẽ xây dựng phương án bảo đảm kinh phí hàng năm từ ngân sách nhà nước cho chính phủ số, phấn đấu tỷ lệ chi cao hơn mức trung bình trên thế giới. Các nước hiện dành tỷ lệ chi khoảng 1-2% tổng chi ngân sách nhà nước cho chính phủ số, cá biệt, một số nước như Singapore, Hàn Quốc dành tỷ lệ chi cao hơn. 

Giải pháp đột phá là sử dụng nền tảng và định hướng mở

Nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ số nhanh hơn, Bản Chiến lược xác định nền tảng số là giải pháp đột phá, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nhanh ơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng được tạo ra bởi những doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngay dưới dạng dịch vụ thay vì phải tự đầu tư, tự vận hành. Các nền tảng được phát triển theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng tại mọi nơi. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung.

Bên cạnh nền tảng số, Bản Chiến lược nêu rõ: Định hướng mở là để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội. 

Cũng theo Bản Chiến lược, trước đây, thông thường, phát triển chính phủ điện tử đặt ra mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội tốt hơn. Giờ đây còn đặt mục tiêu trang bị công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, đó là Trợ lý ảo hay những Nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số. 

PV