Lào Cai: Vận tải hành khách khó khăn vì dịch Covid-19

Ngày 07/07/2021
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tại Lào Cai, vận tải hành khách là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp vận tải chưa kịp phục hồi sau hơn 1 năm điêu đứng vì dịch bệnh, lại tiếp tục lao đao vì dịch bùng phát và có chiều hướng phức tạp.

Tại Bến xe trung tâm Lào Cai những ngày này, số lượng xe ra, vào bến giảm rõ rệt, những xe xuất bến còn rất nhiều ghế trống. Khi dịch bùng phát tại nhiều địa phương và tại Lào Cai xuất hiện các ca nghi nhiễm, tỉnh Lào Cai đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe ô tô từ Lào Cai đến các tỉnh, thành phố (hoặc địa bàn thuộc tỉnh, thành phố) có ca lây nhiễm Covid-19 theo công bố của Bộ Y tế và ngược lại, buộc nhiều nhà xe phải dừng khai thác các tuyến này. Các tuyến còn lại cũng trong tình trạng hoạt động cầm chừng khi lượng khách đi lại không đủ bù chi phí. Các hãng xe dịch vụ du lịch, xe hợp đồng, xe taxi cũng không khá hơn.

Hàng chục xe khách ngừng hoạt động đang nằm tại Bến xe trung tâm Lào Cai

Ông Phan Sĩ Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Quản lý Bến xe khách Lào Cai cho biết: Từ khi dịch bùng phát, tần suất hoạt động của bến liên tục giảm, nhất là khi các tỉnh lân cận Lào Cai có các ca dương tính với Covid-19 và tỉnh Lào Cai nâng cấp độ phòng, chống dịch thì hoạt động vận tải gần như đóng băng. Lượng xe xuất bến giảm mạnh, từ hơn 200 lượt xe/ngày trước đây xuống chỉ còn 60 lượt xe/ngày, một số doanh nghiệp vận tải đã cho xe tạm dừng hoạt động. Ngay cả bộ máy quản lý vận hành Bến xe trung tâm Lào Cai cũng bị ảnh hưởng, đơn vị phải cho nhân viên thay phiên nhau nghỉ vì không có việc làm.

Ông Hiếu cho biết thêm, các đợt dịch trước đây chỉ ảnh hưởng đến một vài tuyến nhưng đợt dịch này xảy ra trên diện rộng, phức tạp hơn, do vậy các doanh nghiệp vận tải cũng bị tác động mạnh hơn.

Dịch Covid-19 và những chính sách giãn cách khiến lượng khách sụt giảm, doanh nghiệp buộc phải giảm lượng xe hoạt động hơn một nửa so với trước đây và doanh thu cũng giảm theo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập của người lao động. Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân cho biết: Phải dùng từ “thoi thóp” khi nói về hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trong thời điểm này. Hiện nay, 80% phương tiện vận tải hành khách của Hà Sơn - Hải Vân phải nằm bến và chưa biết khi nào mới hoạt động trở lại. Các đợt dịch trước được khống chế rất nhanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng vẫn nhìn thấy hướng phục hồi, đợt dịch này diễn ra dai dẳng đã đánh gục các doanh nghiệp vận tải.

Lượng hành khách sụt giảm, lượt xe giảm, trong khi vẫn phải duy trì nhiều hoạt động khiến các doanh nghiệp như đứng giữa ngã ba đường mà không biết đi về hướng nào. Cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải khác, Hợp tác xã vận tải Tuấn Hồng hiện chỉ còn 20% xe hoạt động, 50% đầu xe do các thành viên góp vào hợp tác xã đã trả lại tem. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Tuấn Hồng cho biết: Thời gian qua, hợp tác xã không thu được nguồn đóng góp từ một số thành viên đã cho xe dừng hoạt động, các thành viên còn hoạt động cầm chừng thì cũng không duy trì được nguồn thu như trước kia. Trong khi chờ các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước nên rất khó khăn.

Cùng với vận tải đường bộ, ngành vận tải đường sắt cũng gặp khó. Tại Ga Lào Cai, khu vực bán vé chỉ có 1 nhân viên trực bán vé. Trên sân ga thưa thớt bóng công nhân. Suốt thời gian qua, chỉ có các chuyến tàu vận tải hàng hóa duy trì hoạt động, còn các chuyến vận tải hành khách nằm im lìm trên đường ray. Bà Đỗ Thị Gấm, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Lào Cai cho biết: Dịch bệnh được khống chế rồi lại tiếp tục bùng phát, các chuyến tàu cũng hoạt động phập phù, nhân viên đường sắt phải nghỉ việc không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.

Doanh thu giảm sút nghiêm trọng cộng với việc dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vận tải sẽ khó trụ vững. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vận tải mong sớm được tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Một số doanh nghiệp cũng đề nghị được nới lỏng việc thực hiện các quy định về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội…

Nguồn: Báo Lào Cai