Điện Biên: Chủ động phương án đảm bảo giao thông mùa mưa

Ngày 08/07/2021
Những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, mưa lớn xảy ra khiến nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, đứt gãy. Trước tình hình đó, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, các ngành, địa phương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.

Tuyến đường Nậm Pố - Nậm Vì (huyện Mường Nhé) được nâng cấp, sửa chữa
giúp người dân đi lại thuận lợi hơn trong mùa mưa.

Từ năm 2020 đến nay, những trận mưa lũ lớn đã làm sạt lở, sình lầy mặt đường gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện Mường Ảng đi các xã, các bản trên địa bàn; thậm chí một số tuyến đường bị sụt sạt, đứt gãy khiến ô tô, xe máy gặp khó khăn. Điển hình như vụ sạt lở đất đợt cuối năm 2020 trên quốc lộ 279, thuộc địa phận bản Hồng Sọt, xã Búng Lao. Thời điểm đó, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nên đất từ ta luy dương tràn xuống đường gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Riêng các phương tiện ô tô thì ùn tắc hoàn toàn. Sau khi nhận được tin báo, các cơ quan chức năng đã khẩn trương huy động nhân lực, máy móc có mặt tại điểm sạt lở để khắc phục sự cố cho phương tiện lưu thông. Cũng tại huyện Mường Ảng, một số tuyến đường như: Đoạn từ quốc lộ 279 - trung tâm xã Nặm Lịch; tuyến đường Km34+800 Q279 - xã Nặm Lịch - Pá Nặm (xã Mường Lạn); từ trung tâm xã Ngối Cáy đi bản Chan III, Nặm Cứm; tuyến đường từ quốc lộ 279 - bản Thái, xã Mường Đăng; tuyến đường từ quốc lộ 279 đi bản Tọ Nọ, xã Ẳng Tở… cũng thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ông Bùi Văn Mùi, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Ảng cho biết: Toàn huyện có gần 900km đường giao thông trong đó 35km quốc lộ, hơn 92km đường huyện; gần 250km đường xã, liên thôn, bản... Để đảm bảo giao thông mùa mưa lũ, hàng năm, ngoài việc chủ động tham mưu cho UBND huyện về kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, phòng đã sẵn sàng nhân lực, phương tiện, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng khi xảy ra sự cố về giao thông; xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường, ngầm qua suối nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong mọi tình huống; xây dựng hệ thống cảnh báo, biển báo giao thông nguy hiểm cho những vùng xảy ra thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất.

Cũng như huyện Mường Ảng, một số địa phương như: Mường Nhé, Tủa Chùa, Nậm Pồ, TX. Mường Lay cũng thường xuyên ảnh hưởng bởi mưa lũ. Riêng trong năm 2020, mưa bão khiến nhiều tuyến đường, ngầm tràn trên địa bàn huyện Nậm Pồ bị hư hỏng nghiêm trọng, như: Ngầm tràn Nà Khoa - Nậm Nhừ; ngầm qua suối Nậm Đích (Chà Cang), tuyến đường Nậm Pồ Con đi trung tâm xã Nà Khoa; đường bản Huổi Khương đi trung tâm xã Pa Tần… Ông Chu Văn Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nậm Pồ cho biết: Năm 2020, thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với lĩnh vực giao thông tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Riêng khối lượng sụt, sạt xuống đường trên 16.000m3. Chủ động các phương án cũng như rút kinh nghiệm từ các năm, bên cạnh chuẩn bị các phương tiện, máy móc phục vụ đảm bảo giao thông, Phòng thường xuyên rà soát, nâng cấp, sửa chữa đối với những tuyến đường đã xuống cấp hoặc đang xuống cấp. Cùng với đó phối hợp với chính quyền các xã có các tuyến giao thông thường xuyên bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ cao bị sạt lở… chủ động nhân lực để kịp thời khắc phục, thực hiện công tác đảm bảo giao thông.

Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 8.337km đường giao thông các loại; trong đó có 6 tuyến quốc lộ với chiều dài hơn 620km và 8 tuyến tỉnh lộ có chiều dài hơn 212km. Qua rà soát của cơ quan chức năng, hiện các tuyến quốc lộ có khoảng 30 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Trước tình hình mưa lũ năm 2021 khó lường và được dự báo là tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến hạ tầng giao thông, với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, các ngành, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, chủ động nhiều phương án cũng như giải pháp khắc phục nếu sự cố xảy ra. Trong đó, ưu tiên rà soát các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao; chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra mưa lũ, các địa phương, đơn vị bố trí nhân lực ứng trực 24/24 giờ; thường xuyên kiểm tra các điểm có nguy cơ sụt sạt để có hướng giải quyết kịp thời.

Nguồn: Báo Điện Biên