Họp Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)

Ngày 15/07/2021
Chiều 14/7, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) tổ chức họp định kỳ đánh giá tiến độ triển khai dự án và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, Trưởng BCĐ chủ trì.

Tham dự có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ; Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả, Phó trưởng BCĐ; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; các thành viên, Tổ giúp việc BCĐ.

Toàn cảnh cuộc họp

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đến nay, Dự án đã thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đang triển khai công tác lập khung chính sách; đánh giá tác động môi trường; xây dựng phương án tuyến so sánh (từ nút giao IC05 tại Km81+800 đến nút giao IC07 tại Km99 +400, chiều dài khoảng 17,6km). Trong đó, vốn ngân sách địa phương tăng từ 2.500 tỷ đồng lên 2.700 tỷ đồng; phương án kết nối Thành phố thay đổi, được tách thành dự án riêng sử dụng vốn ngân sách địa phương; công tác giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập; phần huy động BOT của dự án theo hình thức huy động vốn qua hợp đồng hợp tác (BBC) và phát hành trái phiếu.

Tại cuộc họp ngày 12/7/2021, Tổ giúp việc BCĐ thống nhất phương án báo cáo BCĐ, trước mắt chưa đầu tư Dự án đường nối phường Duyệt Trung, Thành phố với xã Quang Trung, huyện Hòa An (định hướng kết nối cao tốc), chiều dài khoảng 3,5km với tổng mức đầu tư 448 tỷ đồng để tập trung nguồn lực cho dự án cao tốc và giảm tổng mức đầu tư dự án nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - kỹ thuật. Xem xét phương án đầu tư, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 34B từ Thành phố đến thị trấn Đông Khê (khoảng 31km) gồm 2 đoạn tuyến với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, đoạn nâng cấp 16 km Quốc lộ 34B trị giá khoảng 400 tỷ đồng và đoạn làm mới 15km tránh đèo Khau Múc trị giá khoảng 900 tỷ đồng.

Theo kế hoạch thực hiện dự án, tháng 7/2021 sẽ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; hoàn thiện hồ sơ khung chính sách trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm tra; trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi vào đầu tháng 8/2021; tổ chức lấy ý kiến và họp Hội đồng thẩm định liên ngành từ tháng 8 - 9/2021; hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến Hội đồng thẩm định liên ngành và phê duyệt dự án trong quý IV/2021. Đối với việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 34 từ Thành phố đến thị trấn Đông Khê sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 20/8/2021; phê duyệt dự án và bố trí vốn trước ngày 30/12/2021; phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán hoàn thành trước ngày 1/5/2022; đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công trước ngày 15/6/2022.

Tại cuộc họp, các thành viên, Tổ giúp việc BCĐ đề nghị BCĐ Dự án thống nhất chủ trương để Thường trực Tỉnh ủy báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thống nhất, chỉ đạo UBND tỉnh điều chỉnh phương án hướng tuyến (Km81+800 - Km99+400), tách tuyến kết nối Thành phố, thực hiện phân kỳ đầu tư, quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo cơ cấu trên. Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, giao UBND tỉnh làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn thống nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Đối với doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư huy động vốn bằng hình thức hợp đồng hợp tác (BBC), phát hành trái phiếu, cổ phiếu và thu xếp tín dụng thực hiện dự án (theo Điều 76 Luật PPP). Có giải pháp huy động vốn từ hình thức phát hành trái phiếu của Nhà đầu tư đến các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp có quyền lợi liên quan đến cao tốc nhằm chứng minh khả năng tài chính làm cơ sở lập và phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (theo Điều 19 Luật PPP); tiết giảm ngân sách địa phương để bù đắp nguồn thu nhằm đảm bảo phương án tài chính của dự án được phê duyệt (theo Văn bản số 270/HĐND ngày 9/10/2019 của HĐND tỉnh); nghiên cứu áp dụng mức lãi suất, tỷ suất lợi nhuận, phí thu xếp vốn để huy động vốn cho dự án. Bổ sung nguồn ngân sách Trung ương đầu tư cho dự án từ 60 - 65% nguồn vốn.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn nhất trí với phương án điều chỉnh hướng tuyến (Km81+800 - Km99+400), tách tuyến kết nối Thành phố, thực hiện phân kỳ đầu tư, quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo cơ cấu trên. Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, giao UBND tỉnh làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn thống nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Đề nghị BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ tập trung xây dựng lại các phương án chỉnh sửa, kết nối hướng tuyến cho phù hợp; đánh giá báo cáo tác động môi trường; sớm hoàn thiện các thủ tục bổ sung gửi Hội đồng thẩm định Trung ương; nghiên cứu các phương án huy động vốn để thực hiện dự án. Đề nghị Trung ương bố trí 60 - 65% ngân sách như các dự án đầu tư cao tốc khác. Tiếp tục quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư tại tỉnh…

Nguồn: Báo Cao Bằng