Dấu ấn giao thông nông thôn miền núi Vĩnh Phúc

Ngày 21/07/2021
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, huyện Sông Lô và Lập Thạch nói riêng ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, khu vực nông thôn với thành thị, thúc đẩy KT - XH phát triển bền vững.

Tuyến đường trục chính của xã Tứ Yên (Sông Lô) được trải áp phan năm 2021
đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân trên địa bàn

Để tạo đột phá trong xây dựng GTNT, nhất là giao thông miền núi, nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa phát triển, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng nhiều đề án, ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống GTNT.

Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực, sức dân tham gia xây dựng, giám sát việc thi công đường làng, ngõ xóm. Do vậy, quá trình xây dựng GTNT trên địa bàn diễn ra nhanh và hiệu quả.

Hết năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 112/112 xã hoàn thành tiêu chí giao thông. Hiện, 100% đường huyện, trục xã đã được thảm nhựa và cứng hóa; 88% đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông hóa.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách của Chính phủ, tỉnh, huyện Lập Thạch đã tạo ra sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh quá trình xây dựng GTNT.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2017 - 2020, huyện Lập Thạch đã huy động, đầu tư hơn 150 tỷ đồng cho việc cải tạo, nâng cấp các tuyến huyện lộ, GTNT, giao thông nội đồng (GTNĐ).

Đến nay, 100% các tuyến đường huyện, trục xã, liên xã; 70% đường trục thôn, liên thôn; 67% đường ngõ xóm và GTNĐ trên địa bàn huyện đã được cứng hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, giao thương.

Tìm hiểu thực tế được biết, cách làm của huyện Lập Thạch là làm tới đâu chắc tới đó, không đầu tư dàn trải, tránh lãng phí.

Tạo lòng tin, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân ngay từ khi xây dựng đề án; kế hoạch về phát triển GTNT các địa phương đều đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và để nhân dân trực tiếp tham gia giám sát, thực hiện.

Từ phương châm được biết, được bàn, được tham gia thực hiện và được hưởng thụ đã phát huy quyền làm chủ trong nhân dân, người dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong công việc chung, tích cực đóng góp công sức, tiền của vào làm đường.

Huyện Lập Thạch cũng đã chỉ đạo các địa phương đầu tư trước vào các tuyến đường trục chính, tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng để nhân dân thấy được lợi ích, tầm quan trọng của giao thông; việc xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn đầu tư, cải tạo các tuyến đường cũng được triển khai hợp lý giữa các xã, khu vực.

Ngoài ra, huyện cũng có cơ chế hỗ trợ khuyến khích, khen thưởng tạo động lực cho các địa phương thi đua làm đường GTNT, GTNĐ… Nhờ vậy, phong trào thi đua làm đường GTNT được khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn huyện.

Sau 9 năm thực hiện Nghị quyết số 02 và số 25 của HĐND tỉnh về phát triển GTNT, giai đoạn 2017 - 2020, huyện Sông Lô đã huy động gần 150 tỷ đồng xây dựng GTNT. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 3 tỷ đồng tiền mặt, 2.350 ngày công lao động và hiến 53.187 m2 đất.

Đẩy mạnh phát triển GTNT, từ 1 huyện có tỷ lệ cứng hóa đường GTNT thấp nhất tỉnh (12,8% năm 2009), đến nay, 100% đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được trải áp phan, bê tông hóa; gần 90% đường trục thôn, liên thôn, trên 80% đường ngõ xóm và 65% đường trục chính nội đồng đã được bê tông hóa, góp phần thay đổi mạng lưới giao thông của huyện, thúc đẩy phát triển KT - XH trên địa bàn.

Những ngày này về xã Tứ Yên (huyện Sông Lô), đi trên những con đường trải áp phan, bê tông hóa bằng phẳng trải dài nối liền giữa các thôn, xóm, chúng tôi cảm nhận rõ sự hân hoan, phấn khởi của người dân nơi đây.

Anh Phạm Xuân Biên, cán bộ địa chính xã cho biết: Dù chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cùng sự chung sức, đồng lòng của Đảng ủy, UBND xã và toàn thể nhân dân trên địa bàn, 6 tháng đầu năm 2021, 2,5 km đường trục chính của xã được trải áp phan, 700 m đường ngõ xóm được bê tông hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

100% đường trục chính của xã đã được bê tông hóa, trải áp phan; 94% đường trục thôn, trên 80% đường ngõ xóm và trên 90% đường trục chính giao thông nội đồng được cứng hóa.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân, thời gian tới, Tứ Yên sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ cứng hóa bằng bê tông đối với trục đường thôn, ngõ xóm và nội đồng.

Từng bước hoàn thiện GTNT, làm tiền đề phát triển KT - XH, hiện nay, cùng với duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông, 2 huyện Sông Lô, Lập Thạch tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhân dân để xây dựng GTNT theo quy hoạch góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM theo chuẩn vùng đồng bằng sông Hồng, hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Đây cũng là yếu tố quan trọng để đến năm 2022, toàn tỉnh có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2025 có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc