Phải có kịch bản linh hoạt, uyển chuyển và phù hợp từng địa phương trong công tác đảm bảo vận tải và phòng dịch

Ngày 02/08/2021
Chiều nay, ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã chủ trì buổi giao ban công tác vận tải trực tuyến từ đầu cầu Bộ GTVT tới 63 tỉnh thành trên cả nước nhằm rà soát công tác vận tải các tỉnh phía Nam nói riêng, cả nước nói chung nhằm tháo gỡ sớm nhất bất cập trong công tác vận tải và đảm bảo ATGT, an toàn phòng dịch cũng như không làm ách tắc, đứt gãy cung ứng hàng hóa thiết yếu.


Bộ GTVT họp giao ban công tác vận tải trực tuyến thường xuyên
với các địa phương trên toàn quốc

Xây dựng kịch bản linh hoạt, phù hợp

Tại buổi giao ban trực tuyến, đánh giá về công tác vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, các lực lượng của Ngành GTVT đã phối hợp tốt với các Sở GTVT, các lực lượng khác của địa phương để cả nước đảm bảo giao thông tương đối thông suốt, tuy có vài điểm ách tắc cục bộ đều được nhanh chóng phối hợp giải quyết.


Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì buổi Giao ban công tác vận tải  ngày 2/8/2021

Thứ trưởng chỉ đạo, với tình hình như hiện nay, Ngành GTVT đóng vai trò quan trọng nên lãnh đạo các cơ quan, các Sở GTVT càng phải nâng cao trách nhiệm, nâng cao vai trò chủ động.

“Các đồng chí “tư lệnh ngành” ở địa phương cũng phải nắm bắt kịp thời chủ trương của Bộ, Ngành để tham mưu nhanh, trúng các vấn đề tại chính địa phương mình. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, dành thêm thời gian cho vấn đề này”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ rõ, mỗi địa phương cần chủ động để có kịch bản riêng trong công tác vận tải và phòng dịch. Theo Thứ trưởng, hiện các tỉnh phía Bắc dịch bệnh cũng hết sức quan ngại nên chính các địa phương phải đặt ra và có giải pháp cho các câu hỏi như các chốt kiểm soát ở các vùng này như thế nào? Phải tổ chức khoa học, chặt chẽ ngay từ khâu này ra sao mới có thể kiểm soát tốt dịch. Đối với địa phương, đặc biệt là 19 tỉnh phía Nam cần có sự phối hợp giữa Sở GTVT với các cơ quan khác như thế nào, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa chính vùng dịch như thế nào? Trong vùng dịch lại có những "vùng xanh" an toàn chưa có dịch thì phải tổ chức giao thông ra vào như thế nào để tránh lây nhiễm chéo? Phương án tổ chức giao thông làm sao? Phải chủ động từng kịch bản kịp thời.

Hiện nay, với chỉ đạo của Chính phủ và nhận định mới về tình hình dịch bệnh, một số đối tượng phạm vi và giải pháp trước đây phải thay đổi cho kịp tình hình, do đó các địa phương phải lưu ý, không cứng nhắc, không rập khuôn, linh hoạt, uyển chuyển từng giải pháp phù hợp với quy định, tình hình thực tiễn của địa phương, mục tiêu quan trọng là đảm bảo vận tải hàng hóa nhưng chống dịch vẫn là lưu tâm quan trọng nhất. Đối với khu vực và lân cận khu vực mật độ đông, vấn đề phân luồng như thế nào? Điều tiết giao thông ra sao? Phù hợp điều kiện địa phương nào thì vận dụng, không bắt buộc rập khuôn nhau, giải pháp hiệu quả là giải pháp phù hợp.

Qua những ý kiến của Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN và các địa phương, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đồng tình vấn đề quản lý lái xe ra vào vùng dịch, tham gia vận tải trên luồng xanh của địa phương và quốc gia là vấn đề đặc biệt quan trọng. Ngành GTVT phải chủ động vấn đề này, vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ phương tiện và chính người lái xe phải nâng cao tinh thần, ý thức tự giác, sau khi thành lập được luồng, chân hàng, nhân lực ổn định phải chống dịch ở mức cao hơn.

“Vấn đề quản lý phương tiện người lái càng phải được quan tâm hơn trong thời điểm này. Cơ quan nhà nước không thể làm thay được, tôi mong muốn doanh nghiệp phải đồng hành. Bên cạnh đấy phải có chế tài mạnh để xử lý, các cơ quan chức năng phải có kiểm tra, hậu kiểm, xử phạt nặng đủ răn đe các quy định về phòng dịch”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cương quyết.

Đối với Cục Y tế, Thứ trưởng giao nhiệm vụ chủ động, phải xây dựng được kế hoạch và kịch bản cho vùng có mật độ lưu thông phương tiện lớn, nguy cơ cao, phối hợp hỗ trợ địa phương test nhanh cho lái xe trên luồng xanh và khu vực quy định.

Với ngành Hàng không, Thứ trưởng chỉ đạo Cục HKVN phối hợp chỉ đạo các hãng hàng không có kế hoạch, hỗ trợ vận chuyển đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng cũng như hàng hóa thiết yếu từ các thành phố hỗ trợ tới các vùng dịch như miền Nam.

“Dịch ngày càng có diễn biến và nguy cơ phức tạp, nguy hiểm hơn hơn, hơn bao giờ hết, Ngành GTVT và lãnh đạo quản lý các lĩnh vực của GTVT càng cần có các kịch bản hoàn chỉnh phù hợp điều kiện của địa phương, của lĩnh vực để vừa đảm bảo phòng dịch, đảm bảo TTATGT nhưng nhất quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho nhân dân”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.


Từ hôm 24/7, Lãnh đạo Bộ GTVT luôn họp giao ban trực tuyến
với các Sở GTVT 63 tỉnh thành trên cả nước nhằm tháo gỡ nhanh nhất
các vấn đề phát sinh trong vận tải hàng hóa và phòng chống dịch

Đề nghị sớm tiêm vắc xin cho đội ngũ lái xe vận chuyển hàng hoá

Báo cáo tại buổi giao ban, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Phan Thị Thu Hiền cho biết, Tổng cục ĐBVN vừa ban hành 02 văn bản đề nghị Cục Tin học hóa và Cục QL Môi trường y tế phối hợp thống nhất phương án kết nối dữ liệu về khai báo y tế và kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 của người trên phương tiện vận tải hàng hoá với phần mềm đăng ký cấp mã QRCode phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và Văn bản gửi các đơn vị thuộc Bộ, Sở GTVT Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xin ý kiến về dự thảo nội dung hướng dẫn đăng ký và nhận Giấy nhận diện phương tiện thông qua phần mềm tự động cấp mã QRCode phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Văn bản số 5418/TCĐBVN-VT ngày 01/8/2021 gửi các địa phương để gia hạn mã QR code đã được cấp cho các xe ô tô vận tải hàng hoá trong toàn quốc, được tiếp tục sử dụng để đi, đến, đi qua các địa phương tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đồng thời tổ chức buổi làm việc trực tuyến giữa Ủy ban ATGT Quốc gia; các đơn vị thuộc Bộ và Tổng cục; Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; Công ty Cổ phần công nghệ An Vui tham gia với 63 Sở GTVT để xin ý kiến về xây dựng phần mềm đăng ký và nhận Giấy nhận diện phương tiện thông qua mã QR tự động để tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hoá đến các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg phục vụ phòng chống dịch Covid- 19.

“Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, chiều ngày 01/8/2021, đoàn công tác của Uỷ ban ATGT Quốc gia và Tổng cục ĐBVN đã thực hiện kiểm tra hiện trường tại Chốt kiểm soát dịch Covid-19 ga Dụ Nghĩa, Km81+500 QL.5 (bên phải tuyến) để nắm tình hình giao thông đang bị ách tắc với chiều dài khoảng 5-7 km, đồng thời có đề xuất với UBND TP Hải Phòng để giải quyết tình trạng ùn tắc tại đây”, Phó Tổng cục trưởng TC ĐBVN cho biết thêm.

Báo cáo về tình hình hoạt động vận tải thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của địa phương, trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP Hồ Chí Minh đến từ ngày 31/7 đến ngày 02/8/2021 cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông; Tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến Hà Nội đến từ ngày 31/7 đến ngày 02/8/2021 thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông.

Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cũng khẳng định, các doanh nghiệp vận tải; các đầu mối xuất, nhập khẩn hàng hóa tại các cảng, bến hàng hải, đường thủy nội địa đa số thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Việc bổ sung nhân lực, vật tư thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm tại các điểm chốt, vị trí xét nghiệm tại các trạm, chốt được triển khai tương đối tốt”, bà Phan Thị Thu Hiền thông tin đồng thời cho biết, tại Tp. Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT, Cục y tế và Hiệp hội Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đã thống nhất lập Tổ di động để test nhanh cho lực lượng lái xe và người đi cùng trên xe lưu động ở TP.HCM (địa điểm do Hiệp hội lựa chọn và chuẩn bị sẵn); hiện nay đã có 1.500 bộ kít để test nhanh cho Bệnh viện Giao thông vận tải Tp.HCM.  Lũy kế đến 19h30 ngày 01/8/2021 có 1.087 trường hợp được test (trong đó phát hiện có 04 trường hợp dương tính).

Đại diện Tổng cục ĐBVN cũng cho biết, theo báo cáo của Sở GTVT TP HCM, luỹ kế đến thời điểm báo cáo cấp được 61.894 xe; luỹ kế đến 1/8 63 Sở GTVT đã cấp được 220.711 xe.

Đồng tình với nhận định của Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN, tại buổi làm việc, Lãnh đạo các Sở GTVT Hải Phòng, Bình Thuận, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác có ý kiến tập trung về việc quản lý lái xe tại các vị trí xếp, dỡ hàng hoá, quản lý chặt chẽ lái xe để đảm bảo lái xe hạn chế tiếp xúc trước, trong và sau khi vận chuyển.

“Hiện nay, đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải có 2.594.798 lái xe kinh doanh vận tải, đây là đội ngũ thường xuyên di chuyển đi qua nhiều khu vực, bao gồm cả khu vực đang có dịch; vì vậy, để đảm bảo an toàn và không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lái xe, đề nghị Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị phân bổ nguồn vắc xin Covid-19 cho các địa phương để ưu tiên tiêm trước cho đội ngũ lái xe vận chuyển hàng hoá”, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục ĐBVN Phan Thị Thu Hiền đề nghị.

H.L