Tổ công tác đặc biệt Bộ Giao thông vận tải quyết liệt hành động phòng, chống COVID-19

Ngày 04/09/2021
Ngay từ khi 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã khẩn trương thành lập Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo các hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19, do đồng chí Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm tổ trưởng; sau đó liên tục có những quyết định kiện toàn bổ sung thành viên, trong đó bổ sung 3 đồng chí Thứ trưởng khác làm tổ phó.

Kiểm tra công trường Dự án cao tốc Phan Thiết  - Dầu Giây

Từ ngày 19/7 đến nay, Tổ đã thường trực ở phía Nam để tham gia chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và phối hợp cùng các địa phương điều hành công tác tổ chức giao thông, đảm bảo công tác vận tải hàng hóa được thông suốt, tham gia các hoạt động, chương trình làm việc Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ và phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan để chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong hoạt động vận tải. Trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành GTVT để bảo đảm vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm được thông suốt giữa các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác.

Đặc biệt Tổ đã có tham gia nhiều ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn lưu thông hàng hóa như đề nghị thành phố Hồ Chí Minh vận dụng xe taxi để chở thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tới tận các phường, xã khu vực đang cách ly để phục vụ nhu cầu của Nhân dân, hỗ trợ vận chuyển cấp cứu y tế; chỉ đạo Bệnh viện GTVT thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tổ xét nghiệm lưu động hỗ trợ xét nghiệm nhanh cho các lái xe vận tải, tổ chức các điểm xét nghiệm nhanh tại các địa phương như Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Nội..; kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tổ chức chốt kiểm soát phòng dịch bệnh đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế nguy cơ gây ùn tắc; đôn đốc, yêu cầu một số địa phương thu hồi, điều chỉnh những quy định phòng chống dịch chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa; kiểm tra các bến bãi tập kết hàng hóa và công tác chấp hành các quy định phòng chống dịch của các doanh nghiệp, lái xe…; giải quyết triệt để nguy cơ quá tải tại Cảng Cát Lái…; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; tham mưu ban hành các Hướng dẫn tạm thời đối với 5 lĩnh vực vận tải để thống nhất triển khai..

Nhìn chung, Tổ công tác đã phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm, duy trì hoạt động liên tục, được các Bộ, ngành và địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Đôn đốc, thúc đẩy tiến độ, giải ngân trên các công trình trọng điểm

 Thứ trưởng Lê Đình Thọ kiểm tra hiện trường
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ và Công điện 1082/CĐ ngày 16/8 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi sản xuất, chính vì vậy giải ngân vốn đầu tư công chính là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước, trong đó vai trò và trách nhiệm của ngành GTVT là vô cùng quan trọng; chính vì vậy Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị 06 ngày 14/6/2021, Văn bản 6854/BGTVT-CQLXD ngày 14/7/2021 về việc đảm bảo tiến độ, chất lượng giải ngân các Dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) do Bộ GTVT quản lý; Công điện 11/CĐ-BGTVT ngày 23/8/2021của Bộ GTVT  về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Trong những ngày qua, bên cạnh việc kiểm tra, đôn đốc, điều hành công tác vận tải, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ GTVT còn tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ, các dự án quan trọng của ngành tại khu vực miền Nam như các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án sửa chữa, cải tạo đường cất hạ cánh Cảng hàng không Tân Sơn Nhất…; làm việc với các tỉnh, thành phố để đôn đốc công tác chuẩn bị đầu tư các dự án Vàng đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Hồ Chí Minh - Mộc Bài…

Bên cạnh đó, đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng thường xuyên có những chuyến công tác kiểm tra hiện trường dự án Mai Sơn - QL45, Cao Bồ - Mai Sơn, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kiểm tra, đôn đốc các dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt...

Đẩy mạnh công tác triển khai thi công

Qua báo cáo của các ban  quản lý dự án (QLDA) và kiểm tra trực tiếp tại hiện trường, hiện nay, công tác thi công trên các công trường, đặc biệt khu vực phía Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, do tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội kèm theo quy định phải cách ly kéo dài nên việc huy động nhân sự, người lao động của nhà thầu đến công trường gặp khó khăn. Một số dự án có một số trường hợp mắc COVID-19 (như dự án CHK không Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), các đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để tổ chức xử lý (chữa bệnh, cách ly, sàng lọc, xét nghiệm,…); tuy nhiên, phần nào đã ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công và tâm lý của người lao động. Nhân công, người lao động ở các dự án rất lớn nhưng nhiều trường hợp chưa được tiêm vacxin phòng COVID-19; hầu như chưa có người lao động tiêm đủ 02 mũi vắc xin.

Một số địa phương yêu cầu các nhân sự tham gia thi công phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 định kỳ 3 ngày/lần; tuy nhiên các địa điểm xét nghiệm tại địa phương còn hạn chế, chủ yếu tập trung tại trung tâm thành phố, gây khó khăn cho việc đi lại cho các kỹ sư, nhân công khi có nhu cầu xét nghiệm; xe vận chuyên vật liệu có thời điểm cho lưu thông, có thời điểm lại cấm... cũng gây không ít khó khăn cho các đơn vị trong việc lập kế hoạch và triển khai các công việc trong thời gian phòng chống dịch COVID-19. Đối với công tác mua sắm, vận chuyển vật tư, thiết bị, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến thời gian giao hàng. Công tác cung cấp vật liệu (đất, cát, đá, xi măng, sắt thép, bê tông,…), cọc đúc sẵn phục vụ thi công bị chậm do nhiều đơn vị cung ứng ngưng sản xuất, hoặc cung cấp hạn chế. Công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn do việc hạn chế di chuyển và cách ly tập trung 14 ngày người đến từ vùng dịch đã ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu xây lắp.

Mặc dù sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết 60 của Chính phủ (về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông) tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên vật liệu từ các địa phương như Bình Thuận, Đồng Nai vẫn chưa có sự chuyển biến hiệu quả, chưa làm việc trực tiếp được với chính quyền địa phương ở các địa bàn đang giãn cách xã hội nên việc xử lý các tồn tại, vướng mắc về di dời công trình hạ tầng, tái định cư,… bàn giao phần mặt bằng còn lại ở một số dự án chưa đáp ứng được kế hoạch.

Tại các công trường, Lãnh đạo Bộ rất ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng vượt khó khăn của cán bộ, công nhân viên các Ban QLDA, nhà thầu để duy trì công tác tổ chức thi công, cơ bản đảm bảo tiến độ, giải ngân theo Kế hoạch đã đề ra. Trong thời gian trước mắt, đề nghị Ban QLDA, và các nhà thầu tiếp tục phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trên công trường, xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể để đảm bảo thi công trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài; thực hiện tổ chức “3 tại chỗ”, sắp xếp, bố trí điều kiện sinh hoạt ổn định cho công nhân, không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm quy định 5K.

Những khó khăn về GPMB, nguồn nguyên vật liệu, hỗ trợ tổ chức thi công phải chủ động báo cáo, làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ, những vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo Bộ để giải quyết. Trước mắt, Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Y tế, và chính quyền các tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, công nhân các dự án trọng điểm quốc gia./.

Nguồn: dangcongsan.vn