Tăng cường công tác vận tải hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 21/09/2021
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-BGTVT về tăng cường công tác vận tải hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong những ngày vừa qua, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ động phối phợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã và đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác đảm bảo lưu thông hàng hóa đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, còn có hiện tượng nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu; một số chuỗi sản xuất bị đứt gẫy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới; một số địa phương đã ban hành quy định kiểm dịch trong lưu thông hàng hóa chưa thống nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GTVT dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông làm hư hỏng nông sản, sản phẩm nông nghiệp; tăng chi phí vận tải, nên đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa; đồng thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:

Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai (sau đây gọi là Sở GTVT) xây dựng và tổ chức thực hiện phương án huy động phương tiện; người điều khiển phương tiện; tổ chức vận tải; bảo dưỡng sửa chữa; cứu hộ giao thông; tổ chức giao thông trên các tuyến liên tỉnh và các đầu mối vận tải trọng yếu; thực hiện nghiêm Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2021 của Bộ GTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19; vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hoá được thông suốt;

Đồng thời thường xuyên theo dõi thông tin nhóm (trên: Zalo, Viber, Facebook...) giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Quản lý đường bộ khu vực, các Sở GTVT, các cơ quan chức năng của địa phương, các đơn vị vận tải, hiệp hội vận tải để kịp thời phổ biến, trao đổi chính sách, quy định mới và nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô để kịp thời hướng dẫn thực hiện hoặc tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT giải quyết theo thẩm quyền;

Để hỗ trợ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thống kê và chuẩn bị phương án huy động lực lượng lái xe và phương tiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố (dưới 2 hình thức: Tình nguyện tham gia, Cung ứng dịch vụ theo yêu cầu).


(Ảnh minh hoạ)

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải, Sở chỉ huy tiền phương của Cục Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp cảng xây dựng kế hoạch, chi tiết các nội dung công việc, nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện để hỗ trợ cho địa phương có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp: Tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2021 của Bộ GTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19; Phối hợp với các cơ quan tại địa phương như: Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Y tế để cấp Giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên một số cảng, đại lý, hãng tàu... trên tinh thần cấp đúng đối tượng, chỉ đi lại khi thực sự cần thiết theo đúng quy định địa phương; tổ chức tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 cho thuyền viên và những người làm việc trong chuỗi cung ứng hàng hóa; Thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động hàng hải tại khu vực để kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Thường xuyên duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, cung cấp thông tin mới kịp thời trên Nhóm liên lạc có đại diện của các cơ quan liên ngành, Sở Giao thông vận tải và các doanh nghiệp hoạt động tại cảng; Đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền và báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 1594/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2021 của Bộ GTVT hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19; Xây dựng quy trình cấp phép bay thực hiện trên môi trường trực tuyến với thành phần Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), các hãng hàng không Việt Nam, các Cảng vụ hàng không đảm bảo việc xử lý phép bay liên tục 24/7; bố trí tăng cường chuyến bay vận chuyển hàng hóa trong thời gian chuyến bay vận chuyển hành khách giảm; Công bố trên Cổng thông tin điện tử (website) Bộ GTVT và Cục HKVN đường dây nóng tiếp nhận và giải đáp thông tin 24/7; Chỉ đạo Cảng vụ hàng không phối hợp Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát công tác khử khuẩn phương tiện, trang thiết bị của các hãng hàng không, các đơn vị trong khu vực cảng hàng không, sân bay; Phối hợp Cục Y tế Giao thông vận tải, các Cục/Vụ chuyên môn của Bộ Y tế để cập nhật các quy định, quy trình, yêu cầu về phòng, chống dịch Covid- 19, kịp thời thông báo các cơ quan, đơn vị ngành hàng không Việt Nam.

Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 1588/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2021 của Bộ GTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19; Thường xuyên duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19; Chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa, Chi cục Đường thủy nội địa chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn, an dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (khi được yêu cầu), tạo điều kiện tối đa trong công tác làm thủ tục vào, rời cảng bến, công tác thanh tra, kiểm tra, điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông đường thủy nội địa và duy trì tình trạng báo hiệu đảm bảo phục vụ hiệu quả hoạt động vận tải đường thủy nội địa; Chỉ đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I, II, III, IV, Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện ở mức cao nhất có thể trong công tác kiểm tra, làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, đảm bảo hàng hóa lưu thông, không gây ách tắc. Tăng cường thực hiện thủ tục vào rời cảng, bến thủy nội địa cho phương tiện thủy nội địa thông qua người được ủy quyền làm thủ tục để hạn chế tiếp xúc, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Cảng vụ Đường thủy nội địa lập danh sách các chốt đường thủy nội của các địa phương trên tuyến đường thủy nội địa (vị trí chốt, các yêu cầu về kiểm soát dịch tại mỗi chốt...) để thông báo cho đơn vị vận tải thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện biết, chuẩn bị trước khi rời cảng, bến hành trình qua các chốt kiểm soát dịch trên tuyến đường thủy nội địa.

Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Đội Thanh tra - An toàn đường thủy nội địa), Cảng vụ Đường thủy nội địa tại các tỉnh, thành phố phải bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện (ca nô) để kịp thời hỗ trợ tối đa các địa phương trong công tác phòng chống dịch, bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội (khi được yêu cầu).

Cục Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 1596/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2021 Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án tăng cường kết nối với vận tải đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không để lựa chọn một số loại hàng hóa có thể tổ chức vận chuyển bằng đường sắt theo vùng hoặc vận chuyển Bắc Nam nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ.

Cục Y tế Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Vận tải, Sở GTVT để tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn đơn vị vận tải, người trên phương tiện triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế; Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở GTVT chỉ đạo Bệnh viện Giao thông vận tải khu vực phối hợp cùng Hiệp hội vận tải hàng hóa địa phương, đơn vị vận tải hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức xét nghiệm lưu động cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa; Tiếp tục cử nhân lực y tế và dự phòng nhân lực y tế tham gia công tác chống dịch tại các địa phương có dịch: khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin ...; Sẵn sàng tổ chức tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, lao động của ngành Giao thông vận tải khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Cục Đăng kiểm Việt Nam thường xuyên duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các đơn vị đăng kiểm và của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác kiểm định phương tiện giao thông vận tải trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19; Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án, Sở GTVT để giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của các đơn vị đăng kiểm; công tác bảo đảm kiểm định phương tiện phải đáp ứng kịp thời yêu cầu vận tải, tổ chức giao thông và thi công các công trình giao thông trọng điểm của các địa phương; Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm sẵn sàng trang thiết bị, nhân lực để thực hiện kiểm định và giải quyết các vấn đề phát sinh về công tác kiểm định phương tiện; Cung cấp kịp thời số liệu, dữ liệu phương tiện cho Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương để xây dựng các phương án vận tải và tổ chức giao thông.

Các Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình triển khai thực hiện: Giải quyết triệt để ách tắc trong lưu thông hàng hóa; ban hành chính sách hỗ trợ chủ xe, lái xe để giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp; ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lái xe, nhân viên bốc xếp hàng hóa; chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa bàn tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam; các địa phương có cửa khẩu chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu; tăng cường kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu phòng, chống dịch bệnh Covid- 19; đảm bảo thông quan xuất khẩu nông sản trong mọi tình huống; chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa bàn không ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ ngành về lưu thông hàng hóa.

Đối với vận tải Đường bộ cần xây dựng phương án huy động phương tiện; người điều khiển phương tiện; tổ chức vận tải; bảo dưỡng sửa chữa; cứu hộ giao thông; tổ chức giao thông đảm bảo hỗ trợ tối đa hoạt động vận tải phục vụ khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vắc-xin; vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân; vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình trọng điểm, thiết yếu.

Đối với vận tải Đường thuỷ nội địa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy nội địa (bố trí thực hiện xét nghiệm tại các chốt kiểm soát dịch trên đường thủy hoặc xét nghiệm lưu động trên phương tiện thủy, không yêu cầu giấy tờ khác ngoài giấy tờ đảm bảo hoạt động vận tải thủy và giấy tờ đảm bảo phòng, chống dịch) để tránh phát sinh thủ tục không cần thiết, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống dịch trên địa bàn và tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân. Thông tin và khuyến khích các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu sử dụng phương thức vận tải đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa trong nội tỉnh và liên tỉnh.

Đối với vận tải biển (Hàng hải) tạo điều kiện cấp Giấy đi đường cho các doanh nghiệp cảng, đại lý, hãng tàu... trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội theo đúng quy định của UBND cấp tỉnh. Cho phép và chỉ đạo các chốt kiểm soát liên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoa tiêu hàng hải được di chuyển theo lộ trình kế hoạch được Công ty hoa tiêu phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải.

Đơn vị đăng kiểm các địa phương thực hiện hoạt động kiểm định theo phương án "3 tại chỗ". Báo cáo kịp thời các vướng mắc và các vấn đề phát sinh về Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải. Đảm bảo chất lượng công tác kiểm định phương tiện; xây dựng quy trình kiểm định phù hợp để hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, nhân viên của đơn vị với lái xe nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sẵn sàng phương án để chống ùn tắc trong kiểm định khi các địa phương được dỡ bỏ giãn cách xã hội, đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện để vận tải hàng hóa, hành khách tăng cao. Hỗ trợ tối đa thực hiện các thủ tục liên quan trong công tác đăng kiểm tàu biển, phương tiện thủy nội địa (thẩm định thiết kế, tiếp nhận kiểm tra phương tiện,...) bằng hình thức trực tuyến và khẩn trương triển khai kiểm tra thực tế phương tiện để cấp hồ sơ đăng kiểm cho phương tiện được nhanh chóng, kịp thời nhưng phải bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tàu biển, phương tiện thủy nội địa theo quy định. Công bố số điện thoại trực đường dây nóng của lãnh đạo đơn vị.

Đồng thời, Sở GTVT các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp tạo lập nhóm thông tin (trên Zalo, Viber, Facebook...) giữa Sở GTVT với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp tỉnh, Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn, các tập đoàn bán lẻ, siêu thị, các hiệp hội làm vườn, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ, hải sản, trái cây... các đơn vị vận tải (đường bộ, đường thuỷ), hiệp hội vận tải (đường bộ, đường thuỷ) để kịp thời phổ biến, trao đổi chính sách, quy định mới và nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải để kịp thời hướng dẫn thực hiện hoặc tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh hoặc Bộ chuyên ngành giải quyết theo thẩm quyền; Tăng cường công tác họp trực tuyến định kỳ do UBND cấp tỉnh chủ trì với Sở GTVT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp tỉnh, Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, UBND các huyện, hiệp hội vận tải (đường bộ, đường thuỷ) và các cơ quan đơn vị liên quan để nắm bắt tình hình, khó khăn, hạn chế kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn...

Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ, hải sản, trái cây chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, hội nhập kinh tế quốc tế; Giữ mối liên hệ chặt chẽ với đơn vị vận tải đường bộ, đường thủy, cơ quan chức năng của địa phương để nắm bắt tình hình thực tế, chủ động hơn trong vận chuyển hàng hóa, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; cung cấp thông tin lên nhóm thông tin (trên Zalo, Viber, Facebook...) do UBND cấp tỉnh hoặc Sở GTVT lập để kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Y tế GTVT, Đăng kiểm Việt Nam, các Sở GTVT, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ GTVT