Người dân TP.Cà Mau phấn khởi khi đoạn tuyến QL63 hoàn thành thảm nhựa

Ngày 25/09/2021
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng của đơn vị thi công, sự chỉ đạo sát sao của nhà thầu, tuyến QL63 qua Cà Mau đã hoàn thiện khiến người dân phấn khởi.

Những ngày qua, nhiều người dân lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (thuộc tuyến QL63 đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) bày tỏ vui mừng và phấn khởi khi đoạn tuyến từ Km110 - Km 113+539 hư hỏng, ngập nước trước đây giờ đã được nâng nấp, hoàn thiện thảm nhựa mặt đường, hệ thống thoát nước đầu tư đồng bộ.

Tình hình giao thông qua đoạn tuyến này mang diện mạo mới, không còn cảnh ùn ứ cục bộ, lầy lội do ảnh hưởng triều cường trước đây.

Đơn vị thi công đang hoàn thiện những hạng mục cuối của dự án sửa chữa nền,
mặt đường đoạn Km110 - Km 113+118, QL63 tỉnh Cà Mau.

Bà Lê Thị Thảo (63 tuổi, bán quán ăn ở phường 9, TP Cà Mau) bày tỏ: "Trước đây, mặt đường hư hỏng, bụi bay mù mịt không ai dám vào ăn, nhưng giờ đây mặt đường bằng phẳng được láng nhựa rất đẹp, không còn ngập úng người dân đi lại rất vui mừng, và không còn phải lo tai nạn giao thông nữa, người dân buôn bán như tôi cũng rất phấn khởi".

Còn anh Hữu Văn Thanh (ngụ huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết: "Tuyến đường QL63 bây giờ đã khang trang và sạch đẹp hơn trước nhiều rồi, không còn cảnh lởm chởm "ổ gà, ổ voi" nữa, người dân đi lại cũng cảm thấy an tâm hơn".

Theo UBND TP Cà Mau, tính từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11/2020, trên địa bàn xuất hiện mưa nhiều và triều cường đã làm hầu hết các tuyến đường nội ô TP Cà Mau bị ngập sâu, kéo dài liên tục trên 40 ngày. Trong đó, có đoạn từ Km 110+010 - Km 113+539 (đường Nguyễn Trãi, TP Cà Mau).

Khi biết tin có dự án mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) triển khai dự án sửa chữa nền, mặt đường cải thiện tình trạng ngập úng đảm bảo giao thông trên đoạn tuyến QL63 tỉnh Cà Mau, người dân đến các cấp chính quyền đều vào cuộc ủng hộ và hỗ trợ tối đa cho dự án.


Trước đó, hồi tháng 12/2020 do mưa lớn và triều cường dâng cao gây ngập úng kéo dài,
làm cho tuyến QL63 qua Cà Mau bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn giao thông.

“Dù gặp nhiều khó khăn, áp lực trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng dự án nỗ lực triển khai, sớm hoàn thành, đem lại thuận lợi cho người dân, xóa cảnh ngập úng, góp phần nâng tầm hạ tầng giao thông đô thị qua địa bàn”, một lãnh đạo UBND TP Cà Mau đánh giá.

Ông Nguyễn Văn Thành - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) IV cho biết, tuyến QL63 qua địa bàn tỉnh Cà Mau dài khoảng 40km (từ Km 74+200 - Km 114+629) được đưa vào sử dụng năm 2001.

Sau 20 năm sử dụng tình trạng mặt đường xuống cấp trong khi nguồn kinh phí bảo trì hàng năm hạn hẹp, đơn vị quản lý tuyến đường đã cố gắng duy tu, sửa chữa thường xuyên, đảm an toàn giao thông.

Tuy nhiên, năm 2020, đoạn tuyến qua TP Cà Mau chịu tác động nặng nề của mưa lớn và triều cường dâng cao. Do mặt đường bị "ngậm nước" quá lâu, nên phát sinh hư hỏng, "ổ gà", hố lún, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, đời sống sinh hoạt của người dân.


Hiện tại, mặt đường tuyến QL63 đã được nâng cao chống ngập
và thảm bê tông nhựa nóng, đảm bảo an toàn giao thông.

"Để giải quyết tình trạng trên, Cục Quản lý Đường bộ IV, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trực tiếp kiểm tra hiện trường chỉ đạo thực hiện một số biện pháp sửa chữa cấp bách đảm bảo giao thông và đồng thời lập hồ sơ sửa chữa toàn diện nâng cao mặt đường và hệ thống thoát nước", ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, qua gần 3 tháng thi công tích cực (từ ngày 17/6/2021), đến cuối tháng 8/2021 vừa qua, dự án cơ bản hoàn thành chính tuyến, và rốt ráo hoàn thiện hạng mục sơn kẻ mặt đường, hệ thống ATGT đáp ứng đồng bộ quy mô, mang lại hiệu quả công trình cao, được nhân dân đồng tình và đánh giá cao.

Ngày 13/5/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình sửa chữa nền, mặt đường cải thiện tình trạng ngập úng đảm bảo giao thông đoạn Km110 - Km 113+118, QL63 tỉnh Cà Mau, với tổng kinh phí đầu tư trên 52,2 tỷ đồng.

Dự án triển khai cải thiện tình trạng ngập úng để đảm bảo an toàn giao thông; duy trì tuổi thọ công trình và nâng cao khả năng khai thác của đoạn tuyến với giải pháp: Tôn cao độ mặt đường bằng cấp phối và thảm bê tông nhựa.

Sửa chữa hệ thống bó vỉa và hệ thống thoát nước phù hợp với cao độ mặt đường sau khi nâng; hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ; vuốt nối các đường dân sinh và sơn kẻ đường.

Nguồn: Báo Giao thông