Nhân viên ngành hàng không thế giới: Không tiêm phòng Covid-19 không được đi làm

Ngày 29/09/2021
Nhiều hãng hàng không khuyến khích hoặc bắt buộc nhân viên phải tiêm phòng đầy đủ mới được quay trở lại làm việc.

Giữa tình hình dịch Covid-19 phức tạp, để nhanh chóng mở lại các đường bay một cách an toàn, nhiều hãng hàng không trên thế giới khuyến khích hoặc bắt buộc nhân viên phải tiêm phòng đầy đủ mới được quay trở lại làm việc.

Song nhiều hãng đối mặt với lùm xùm vì nhân viên kiện cáo.

Kể từ ngày 1/9, toàn bộ chuyến bay của Cathay Pacific
đều do nhân viên đã tiêm phòng đầy đủ phục vụ

Bị kiện vì cho nhân viên nghỉ không lương

United Airlines - hãng hàng không lớn thứ 3 thế giới (về số máy bay và lượng tuyến) vừa bị nhân viên kiện vì ép buộc tiêm vaccine phòng Covid-19.

Theo báo Dallas News, có 6 nhân viên của United Airlines làm việc tại Sân bay quốc tế Dallas Fort Worth đã nộp đơn kiện hãng hàng không lên toà án liên bang khu vực Bắc Texas, cáo buộc hãng bay lớn thứ 3 thế giới không miễn trừ quy định tiêm vaccine cho những nhân viên theo tôn giáo và có lý do y tế.

Thay vào đó, chủ lao động đã yêu cầu họ nghỉ phép không được hưởng lương trong nhiều năm.

Các nhân viên có lý do chính đáng lo sợ, quy định bắt buộc tiêm phòng hà khắc của United ép buộc họ phải lựa chọn giữa tiêm phòng hay mất việc.

“Đây là tình huống không thể chấp nhận tại một đất nước như Mỹ”, ông Mark Paoletta, đối tác làm việc tại Công ty Schaerr-Jaffe, đại diện cho nguyên đơn nói.

United thông báo bắt buộc tiêm phòng từ cuối tháng 8. Cụ thể, đến ngày 27/9, toàn bộ nhân viên làm việc tại Mỹ phải tiêm phòng mới được quay lại làm việc, cho phép miễn trừ với một số người có lý do y tế hoặc tôn giáo.

Nhưng đến cuối tuần qua, một số người có lý do tôn giáo vẫn bị đưa vào danh sách nghỉ phép không được hưởng lương.

Các nhân viên của United Airlines đã có quyền miễn trừ tiêm phòng nhưng có đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với hành khách sẽ phải nghỉ không lương vô thời hạn bắt đầu từ ngày 2/10 và chưa rõ bao giờ có thể quay lại làm, theo trang Kansas city.

Trước thông tin về vụ kiện, United cho biết đang đánh giá tình hình. Tại thời điểm này, hãng cho rằng, đơn kiện trên không có cơ sở pháp lý.

“Là một hãng hàng không, điều tốt nhất chúng tôi có thể làm để bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho nhân viên đó là yêu cầu tiêm phòng - trừ một lượng nhỏ nhân viên có thể được miễn trừ. Hiện tại, có hơn 97% nhân viên của hãng tại Mỹ hoàn thành tiêm chủng. Hãng đã thông báo chính sách từ tháng trước và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các nhóm lao động”, theo đại diện United Airlines.

Cathay Pacific sa thải người không tiêm phòng

Tại châu Á, theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), nhiều ngày qua, hãng hàng không Cathay Pacific (Hong Kong, Trung Quốc) cũng bị chỉ trích vì sa thải 3 nhân viên không tiêm phòng vì lý do y tế như có tiền sử ung thư, mẹ cho con bú và có vấn đề tim mạch.

Nhân viên có tiền sử ung thư, 52 tuổi, đã làm tiếp viên tại hãng 30 năm. Người này khẳng định có tình trạng sức khoẻ không tốt như huyết áp cao, hệ thống miễn dịch kém - tác dụng phụ sau quá trình điều trị ung thư. Do đó, nữ nhân viên đã xin giấy chứng nhận từ bác sĩ, xác minh đủ điều kiện miễn tiêm.

Song hãng Cathay Pacific phản hồi rằng, lý do ung thư không đủ để được miễn tiêm phòng, còn tình trạng mỡ máu và huyết áp không ảnh hưởng tới việc tiêm chủng. Hãng đề nghị sắp xếp xét nghiệm dị ứng trước khi tiêm nhưng người này từ chối và cuối cùng bị sa thải vào đầu tháng 9.

Cathay Pacific đã yêu cầu tất cả nhân viên phải tiêm phòng hoặc nộp bằng chứng chứng minh lý do miễn trừ trước ngày 31/8. Những người quyết định không tiêm phòng khi không có lý do chính đáng sẽ bị sa thải. Hãng từ chối công bố số lượng nhân viên phải nghỉ việc nhưng nhấn mạnh đó là quyết định đúng đắn.

Tổng giám đốc Cathay Pacific về quan hệ doanh nghiệp, Andy Wong xác nhận, hãng biết rõ các trường hợp kể trên và khẳng định tất cả các trường hợp đều được đánh giá kỹ càng.

Ông Siddharth Sridhar, Bác sĩ, Giáo sư trợ lý về lâm sàng Khoa Vi sinh, Đại học Hong Kong cho rằng, có lẽ việc để kiện cáo xảy ra là do hãng bay này chưa cung cấp đủ thông tin để nhân viên hiểu rõ và quyết định tiêm phòng.

Một lần nữa, vị bác sĩ khẳng định, các vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Moderna, Pfizer được khẳng định an toàn với mẹ cho con bú và có thể tạo kháng thể cho trẻ.

Ông Sridhar cũng nhấn mạnh, dù vaccine không thể ngăn nhiễm Covid-19 100% nhưng sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong tới 80-85%.

Mỗi hãng có cách tiếp cận khác nhau về vaccine

Vì dịch bệnh, ngành hàng không phải chịu rất nhiều tổn thất. Năm ngoái, riêng các hãng bay của Mỹ lỗ 35 tỷ USD vì lượng khách sụt giảm dù đã nhận được hàng tỷ USD từ các khoản trợ cấp và cho vay của Chính phủ liên bang.

Hiện tại, lượng khách hàng không vẫn ở mức thấp hơn 20% so với mức trước đại dịch. Các hãng bay tiếp tục bị sụt giảm doanh số bán vé vì đợt bùng phát dịch mới nhất do biến chủng Delta.

Để đảm bảo hoạt động kinh doanh trong dịch bệnh, các hãng hàng không đều có lập trường ủng hộ vaccine nhưng mỗi hãng có cách tiếp cận khác nhau. Một số hãng như Southwest Airlines và American Airlines không bắt buộc tiêm phòng mà khuyến khích bằng cách thưởng lương và ngày nghỉ phép cho người tiêm ngừa đầy đủ.

Hãng hàng không Delta Air Lines yêu cầu nhân viên phải tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid-19 liên tục.

Nguồn: Báo Giao thông