Đường thủy nội địa đóng vai trò quan trọng trong chuỗi vận tải xanh khu vực phía Bắc

Ngày 30/09/2021
Chiều 30/9, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Chuỗi vận tải xanh khu vực phía Bắc.

Hội thảo có sự tham gia của Giáo sư Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp các tỉnh, Cảng vụ ĐTNĐ phía Bắc, lãnh đạo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các doanh nghiệp, Hiệp hội kinh doanh vận tải, logistics…


Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn
phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ  kịp thời cho khách hàng và các doanh nghiệp phía Nam, đảm bảo thông suốt, không để xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Hiện nay, Tổng công ty đang chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh cho giai đoạn bình thường mới. 

Tại khu vực phía Bắc, tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, các địa phương ở phía Bắc đang phục hồi sản xuất và tăng tốc phát triển kinh tế. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh phía Bắc với những giải pháp mới phù hợp. 

Với vị thế là nhà khai thác cảng và logistics hàng đầu VN, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp phát triển bền vững song song với việc tiếp tục phát triển các tuyến thủy nội địa phía Nam kết nối khu vực cảng với khu kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng công ty đã tiên phong phát triển và khai thác các giải pháp Logistics xanh tại thị trường tiềm năng phía Bắc, mở đầu là tuyến vận tải thủy kết nối hàng hóa khu vực Bắc Ninh - Bắc Giang - Hải Dương với khu vực cảng Hải Phòng. 

Thượng tá Bùi Văn Quỳ mong muốn, Hội thảo trực tuyến hôm nay sẽ là cầu nối giúp tìm ra tiếng nói chung, tăng cường hợp tác, cùng chung tay phát triển chuỗi dịch vụ vận tải xanh cũng như ứng phó với những diễn biến khó lường trong tương lai.

Trong những năm gần đây, việc phát triển Logistics xanh trở thành một trong những xu hướng nhằm giảm thiểu tác động của logistics tới môi trường. Logistics xanh là mục tiêu để tạo ra giá trị bền vững khi cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Logistics xanh đem lại nhiều lợi ích như giảm lượng khí thải CO2, tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh, bảo vệ sức khoẻ, hướng tới nền kinh tế bền vững.

Tại Hội thảo trực tuyến, Giáo sư Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam nhận định thời gian qua, tỉ trọng đầu tư cho ngành ĐTNĐ Việt Nam rất khiêm tốn trong khi khối lượng vận tải hàng hóa của ĐTNĐ đạt 19-20% toàn ngành. Hệ thống đường thuỷ nội địa khu vực phía Bắc có chiều dài 3.044,4 km với 65 sông, kênh, có 17 tuyến ĐTNĐ quốc gia chính; 06 tuyến VR-SB gồm: Cửa Vạn Gia, sông Chanh, Nam Triệu, Trà Lý, Lạch Giang và cửa Đáy.


Giáo sư Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam tham dự Hội thảo

Các tỉnh phía Bắc hiện có 182 cảng thuỷ nội địa, trong đó có 98 cảng hàng hoá, 52 cảng chuyên dùng và 32 cảng địa phương. Trong năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021, lượng hàng vận chuyển container bằng phương tiện thủy nội địa có xu hướng ngày một tăng.

Theo Cục trưởng Bùi Thiên Thu, khu vực phía Bắc cần có điểm mẫu, tuyến mẫu khai thác vận chuyển container. Hiện tại, Tân Cảng Quế Võ được coi là cảng kiểu mẫu, không chỉ phục vụ hàng hoá trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mà còn cho các tỉnh lân cận, được coi là tuyến mẫu, là điểm sáng khai thác vận chuyển ở khu vực phía Bắc.

Tuy vậy, thực trạng phát triển ĐTNĐ khu vực phía Bắc còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Kết cấu hạ tầng ĐTNĐ chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vai trò trong hệ thống giao thông vận tải cả nước, số lượng cảng nhiều nhưng quy mô nhỏ, thiết bị xếp dỡ lạc hậu; nhiều dự án đầu tư chưa đồng bộ giữa luồng và tĩnh không luồng nên không phát huy được hiệu quả. ĐTNĐ chưa tham gia sâu vào chuỗi vận tải container ngay trên các tuyến vận tải kết nối với cảng biển được đánh giá có nhiều tiềm năng lợi thế như tuyến vận tải Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì kết nối với cảng biển khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh; tuyến vận tải kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Công tác đầu tư luồng, tuyến còn chậm so với quy hoạch, kết nối đường bộ tới các cảng thuỷ nội địa còn hạn chế, kết nối ĐTNĐ tới cảng biển chưa hình thành kịp thời, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Việc phối hợp quản lý quy hoạch với các địa phương, quy hoạch các ngành có liên quan còn thiếu đồng bộ…

Trong thời gian tới, danh mục dự án ưu tiên phát triển của ĐTNĐ khu vực phía Bắc gồm 06 dự án cải tạo, nâng cấp luồng tuyến; phát triển KCHT, kết nối với cảng biển cửa ngõ, cảng biển quan trọng của các vùng kinh tế trọng điểm, đẩy mạnh phát triển các tuyến vận tải container, tuyến vận tải sông biển (VR-SB), phát triển đội tàu chuyên dùng (container, lái mũi, cabin nâng hạ, sà lan khớp nối mềm…), đưa tàu trọng tải lớn vào sâu trong nội địa. Đồng thời, tạo kết nối thuận lợi tối đa với đường bộ, cảng cạn (ICD), tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn có công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các Trung tâm logistics ĐTNĐ và tham gia vận tải đa phương thức.

Để tăng tính cạnh tranh và nâng cao hiệu quả khai thác, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp Vận tải - Cảng - Logistics và Cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương - Địa phương, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin 4.0 vào quản lý, xây dựng, khai thác vận tải thủy.


Cục trưởng Bùi Thiên Thu mong muốn các địa phương cùng với cơ quan QLNN đồng hành 
cùng DN đảm bảo Chuỗi vận tải xanh ở khu vực phía Bắc được phát triển bền vững

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đường thủy nội địa phải được quan tâm đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội về lợi thế cạnh tranh của từng vùng và khu vực; bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn xa, chiến lược dài hạn; đầu tư phân kỳ hợp lý giữa các ngành, khu vực; góp phần giảm chi phí logistics quốc gia; nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách để huy động nguồn lực nhà nước đồng thời với huy động tối đa các nguồn lực xã hội; rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu quy hoạch đề ra…

Cục trưởng Bùi Thiên Thu khẳng định: Để thực hiện được chuỗi vận tải xanh nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng cần có sự phối hợp chặt chẽ của 3 thành phần: Cơ quan QLNN, các địa phương và các doanh nghiệp nói chung trong đó có các Hội, Hiệp hội.

"Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, sản lượng vận chuyển hàng hóa ĐTNĐ 9 tháng đầu năm tăng cao 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ĐTNĐ khẳng định vai trò của mình trong Chuỗi cung ứng vận tải nói chung. Các địa phương cần tích cực hơn nữa để cùng với cơ quan QLNN đồng hành ủng hộ cho các DN cảng, DN vận tải, DN dịch vụ Logistic đảm bảo Chuỗi vận tải xanh ở khu vực phía Bắc được phát triển bền vững", Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu nhấn mạnh./.

KC