TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến 5 tỉnh lân cận về phương án tổ chức giao thông

Ngày 01/10/2021
TP Hồ Chí Minh đã xây dựng phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa thành phố và các tỉnh trong giai đoạn hiện nay, khi chưa kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19.

Ngày 30/9, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi tới 5 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh) để lấy ý kiến dự thảo về phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh đã có buổi làm việc về liên kết vùng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế giữa TPHCM.

Theo nội dung trao đổi thống nhất tại cuộc họp, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng dự thảo phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong giai đoạn hiện nay (khi chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh COVID-19).

UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND các tỉnh sớm có ý kiến góp ý để tổng hợp hoàn thiện dự thảo phương án tổ chức giao thông.

Theo dự thảo, đối với hoạt động hàng hóa: xe chở hàng đến và đi ngang qua TP Hồ Chí Minh phải có giấy nhận diện (có mã QR).

Đối với xe có lộ trình quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh không được dừng, đỗ trong suốt quá trình qua địa bàn, trừ trường hợp bất khả kháng: xe hỏng, sự cố, lái xe có vấn đề sức khỏe…


Lực lượng chức năng kiểm tra xe chở hàng

Xe ô tô chở hàng, ô tô tải hoạt động trong khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh tuân thủ theo các quy định về hạn chế và cấp phép xe ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh.

Việc đưa, đón công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức từ các tỉnh, thành đến trụ sở sản xuất đóng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và ngược lại phải đảm bảo các điều kiện: người trên xe đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế; có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực theo quy định ngành y tế.

Về phương án đi lại, các công ty, doanh nghiệp xây dựng phương án đưa đón công nhân, chuyên gia cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối. Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức và các quận huyện, các hiệp hội đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh để phối hợp với các tỉnh, thành liên quan để cấp giấy nhận diện (có mã QR).

Ở chiều ngược lại, Sở Giao thông vận tải các địa phương cấp giấy nhận diện cho các xe đưa đón công nhân, chuyên gia từ TP Hồ Chí Minh đến làm việc tại các tỉnh, thành sau khi thống nhất phương án với Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.

Đối với hoạt động công vụ, các đối tượng là công chức, viên chức của các tổ chức chính trị xã hội, các sở, ban, ngành của các tỉnh, thành tham gia hoạt động công vụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và ngược lại, di chuyển bằng ô tô, người ngồi trên xe phải đáp ứng các điều kiện: đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có chứng nhận cơ quan y tế, có giấy xét nghiệm âm tính; có giấy tờ liên quan đến người tham gia hoạt động công vụ (thư mời, giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị).

Người dân từ các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực 72 giờ và phải đảm bảo một trong các điều kiện: Có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành đến bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh hoặc giấy hẹn tái khám của các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó người dân phải có xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về cho phép đến TP Hồ Chí Minh khám chữa bệnh. Giấy xác nhận có thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người lái xe và phương tiện.

Hoạt động đi đến sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.

Nguồn: thoisuvtv