Nghiên cứu cơ chế hình thành cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong

Ngày 04/10/2021
Khu vực Vân Phong, Khánh Hòa được đánh giá có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi để đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, bên cạnh việc ưu tiên phát triển các khu bến cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), phải nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng hiện có.

Để phát triển cảng nước sâu tại Vân Phong, sự đầu tư ban đầu bằng nguồn vốn
từ ngân sách Nhà nước rất quan trọng - Ảnh minh họa

Theo quy hoạch, cảng trung chuyển quốc tế này nằm ở khu vực Bắc Vân Phong, có chức năng phục vụ phát triển KT-XH liên vùng, tiềm năng phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế có khả năng tiếp nhận tàu container đến 24.000 TEU (tương đương 250.000 tấn), tàu tổng hợp trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện và tàu khách đến 225.000 GT.

Ông Nguyễn Ngọc Huệ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN đánh giá, vị trí vịnh Vân Phong có điều kiện tự nhiên tốt như luồng tàu sâu, kín sóng gió, khu nước rộng có độ sâu lớn, rất thuận lợi để hình thành cảng biển nước sâu.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu hàng hóa tại khu vực Nam Trung Bộ này chưa phát triển. Trong khi đó, muốn thu hút hàng hóa trung chuyển thì trước hết cần phải có nguồn hàng.

“Ví như cảng Cái Mép - Thị Vải nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất năng động có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Trong đó, hàng container chiếm 80% khối lượng container của cả nước. Mỗi tuần có trên 1.000 TEU nên mới có điều kiện thu hút tàu mẹ vào lấy hàng. Trường hợp khu bến Lạch Huyện nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía Bắc cũng có điều kiện để tham gia làm hàng trung chuyển”, ông Huệ nói.

Từ dẫn chứng trên, theo ông Huệ, để phát triển cảng nước sâu tại Vân Phong, tương tự như các cảng cửa ngõ quốc tế hiện nay, sự đầu tư ban đầu bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước rất quan trọng và mang tính quyết định.

“Kinh nghiệm cho thấy, khi chính phủ đầu tư phát triển hạ tầng công cộng như luồng tàu, đê chắn sóng, đê chắn cát và những bến đầu tiên, các nhà khai thác cảng sau đó sẽ ồ ạt nhảy vào đầu tư các bến tiếp theo”, ông Huệ nhận định.

Trước đó, năm 2007, Dự án Cảng Vân Phong đã được Bộ GTVT phê duyệt và giao cho Tổng công ty Hàng hải VN làm chủ đầu tư với diện tích 750 ha, gồm 37 bến, chiều dài toàn bến khoảng hơn 12.500m, công suất thiết kế khoảng 17,5 triệu TEU/năm, tổng mức đầu tư 3,6 tỷ USD. Công trình này được kỳ vọng là cảng trung chuyển nước sâu có thứ hạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong giai đoạn khởi động, Dự án sẽ xây dựng 2 bến, tổng chiều dài mép bến là 690m, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 710.000 TEU/năm, có thể tiếp nhận tàu container có sức chở lên đến 9.000 TEU.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, cân đối nguồn vốn tự có, Dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2009. Thế nhưng, khi mới triển khai một số hạng mục đầu tiên thuộc Tiểu dự án 1, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kép kinh tế thế giới giai đoạn 2008 nên dự án không còn tính khả thi và phải tạm dừng.

Nguồn: Báo Giao thông