Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Hướng dẫn vận tải giúp địa phương ứng phó linh hoạt

Ngày 04/10/2021
Bộ GTVT chính thức ban hành Hướng dẫn tạm thời vận tải hành khách trong 5 lĩnh vực sau nới lỏng giãn cách xã hội và có hiệu lực từ ngày 1/10. Điểm mới trong hướng dẫn lần này được Bộ GTVT xây dựng gắn với quy mô, mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã có trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Nhiều điểm mới thông thoáng

Khi xây dựng hướng dẫn tổ chức vận tải 5 lĩnh vực lần này, Bộ GTVT dựa trên cơ sở nào, thưa Thứ trưởng?

Hướng dẫn tạm thời tổ chức vận tải hành khách 5 lĩnh vực được xây dựng trên cơ sở quan điểm, chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ; với mục đích khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch Covid-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của các địa phương và của đất nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Thưa Thứ trưởng, các điểm mới của Hướng dẫn lần này đã chi tiết tới từng cấp độ dịch bệnh?

Điểm mới trong hướng dẫn lần này, được Bộ GTVT xây dựng gắn với quy mô, mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng. Quy mô đánh giá cấp độ dịch áp dụng trong hoạt động vận tải hành khách được áp dụng đến cấp xã và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm.

Hướng dẫn tạm thời nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách, đi lại được thuận lợi, tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đồng thời, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực và kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Hướng dẫn đảm bảo phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 được Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch quy định.

Theo đó, cấp độ áp dụng được chia làm 4 cấp: Cấp 1 là nhóm nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Cấp 2 là nhóm nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng. Cấp 3 là nhóm nguy cơ cao tương ứng với màu cam. Cấp 4 là nhóm nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Ở cấp 1 và cấp 2 các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường. Cấp 3, các phương tiện giao thông công cộng được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất. Cấp 4, dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn, thanh toán điện tử).

Đặc biệt, để đảm bảo nguyên tắc tổ chức các hoạt động vận tải an toàn phòng, chống dịch, Bộ GTVT đã đề nghị và được Bộ Y tế tham gia ý kiến về các tiêu chí, yêu cầu an toàn phòng, chống dịch đối với phương tiện giao thông công cộng, người điều khiển và người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu đối với hành khách trên các phương tiện công cộng và yêu cầu đối với bến xe, bến tàu, nhà ga, địa điểm bán vé, trạm dừng nghỉ… Bộ GTVT đã nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Hướng dẫn này.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đưa vào hướng dẫn kết nối vận chuyển hành khách đến, đi tại cảng hàng không, ga đường sắt thuộc địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4) để các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức thực hiện.

Theo hướng dẫn, tổ chức giao thông đối với hàng không, đường sắt được ưu tiên, nhưng một số địa phương như Hà Nội lại chưa tiếp nhận các chuyến bay, tàu khách. Thứ trưởng nhận định thế nào về việc này?

Như chúng ta đã biết, đề nghị của thành phố Hà Nội đưa ra khi Bộ GTVT chưa ban hành Hướng dẫn về tổ chức hoạt động vận tải hành khách cả 5 lĩnh vực, cũng như Bộ Y tế chưa ban hành Hướng dẫn y tế đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả phòng, chống dịch.

Chính vì vậy, tôi tin tưởng rằng, sau khi có Hướng dẫn này cũng như những hướng dẫn của ngành Y tế, thành phố Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung sẽ có căn cứ để tính toán, nghiên cứu xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức lại các hoạt động vận tải hành khách trong đó có lĩnh vực hàng không, đường sắt phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế phòng, chống dịch của địa phương; qua đó góp phần khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hơn nữa, như chúng ta đã biết, thành phố Hà Nội là cửa ngõ, đầu mối giao thông trọng điểm của khu vực phía Bắc và đất nước, chính vì vậy, ý kiến và sự thống nhất của thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách chung của cả nước.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội và các địa phương khác để trao đổi, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Hướng dẫn này.

Linh hoạt giúp địa phương dễ thực hiện

Hướng dẫn tạm thời vận tải hành khách trong 5 lĩnh vực sẽ tạo điều kiện để phục vụ nhu cầu
đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực. Ảnh: Tạ Hải

Trong hướng dẫn, vì sao Bộ GTVT giao UBND cấp tỉnh quyết định tần suất hoạt động của xe khách liên tỉnh, xe khách nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch... đảm bảo theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ và quy mô cấp độ dịch, thưa Thứ trưởng?

Trước tiên, Hướng dẫn này phải tuân thủ những quy định pháp luật hiện hành về giao thông vận tải, trong đó đối với các hoạt động vận tải công cộng thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương.

Hiện nay, cấp độ và tình hình dịch bệnh mỗi địa phương có sự khác nhau, chính vì vậy Bộ GTVT đã xây dựng Hướng dẫn này phù hợp với các tiêu chí, cấp độ dịch khác nhau để các địa phương linh hoạt, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vận tải hành khách phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của địa phương.

Phải chăng chính sự linh hoạt và chủ động sẽ giúp địa phương xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp và hiệu quả, thưa Thứ trưởng?

Hướng dẫn vừa đảm bảo tính chặt chẽ trong phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vừa đảm bảo tính linh hoạt tương ứng với các cấp độ phòng, chống dịch khác nhau.

Linh hoạt ở đây bao gồm hai nội dung là linh hoạt theo chiều dọc và linh hoạt theo chiều ngang.

Chiều ngang là theo cấp độ phòng, chống dịch. Chiều dọc là theo quy mô phòng, chống dịch, như vậy sẽ giúp các địa phương có cơ sở để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp và hiệu quả.

Kế hoạch lần này hướng dẫn theo quy mô, phạm vi đến tận thôn, xóm, phường để tối ưu hóa phạm vi phải “khoanh vùng” dịch, tạo không gian tối đa cho các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có giao thông vận tải.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, giao thông luôn đóng vai trò “đi trước một bước” để “mở đường”, giữ vững “mạch máu” vận tải thông suốt; chính vì vậy, việc tổ chức giao thông, tổ chức các hoạt động vận tải phải rất linh hoạt mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế của đất nước.

Thưa Thứ trưởng, để tổ chức thực hiện tốt hướng dẫn các địa phương cần thực hiện những gì?

Các địa phương cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ GTVT, cùng với các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và căn cứ điều kiện, nhu cầu thực tế của địa phương để sớm xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức các hoạt động vận tải hành khách của cả 5 lĩnh vực.

Bộ GTVT cũng rất mong muốn, khi địa phương đã sẵn sàng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội và sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới thì cũng sẽ đồng thời sẵn sàng “nối lại” các hoạt động giao thông vận tải, trong đó có vận tải hành khách để góp phần thực hiện tốt mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ đã nói: Không có phương án hoàn hảo, chúng ta chọn phương án tối ưu, đặc biệt không để ách tắc giao thông, ách tắc các chuỗi cung ứng.

Trên cơ sở góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ GTVT đã xây dựng hướng dẫn tạm thời theo phương án tối ưu nhất. Cần khẳng định lại lần nữa, đây là hướng dẫn tạm thời vì việc chống dịch chưa có tiền lệ, diễn biến nhanh, phức tạp, liên quan tới nhiều chủ thể nên cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Báo Giao thông