Tìm giải pháp phát triển logistic vận tải thuỷ nội địa và vận tải ven biển toàn quốc

Ngày 14/10/2021
Sáng 14/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển Logistic vận tải thuỷ nội địa và vận tải ven biển.

Bộ GTVT luôn quan tâm phát triển vận tải thủy nội địa và ven biển

Tham dự có đại diện các Bộ, Ngành, Văn phòng Chính phủ cùng đông đảo lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ GTVT luôn quan tâm phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy, tận dụng lợi thế bờ biển dài của đất nước, hệ thống sông, kênh tự nhiên thuận lợi cho phát triển vận tải thuỷ nội địa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xác định vận tải thuỷ
là một trong những lĩnh vực vận tải trọng điểm của quốc gia

Khi xây dựng quy hoạch 5 lĩnh vực GTVT, từ giai đoạn nghiên cứu, Bộ GTVT xác định vận tải thủy là một trong lĩnh vực vận tải trọng điểm của quốc gia. Vận tải thủy không chỉ đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy và còn kết nối với các cảng biển.

Tuy vậy, đến nay vận tải thủy phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của đất nước; có sự chênh lệch lớn giữa vận tải thủy phía Nam và phía Bắc. Đường thủy còn bị cản trở bởi tĩnh không cầu thấp, việc đầu tư xây dựng cảng thủy ở các tuyến sông có đê rất khó khăn, phức tạp do quy định của pháp luật về đê điều, chính sách đầu tư cảng thủy….

Bộ trưởng khẳng định Hội nghị là cơ hội để cùng chia sẻ, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hiệp hội và đưa ra giải pháp khai thác thế mạnh tiềm năng logistics vận tải thủy của quốc gia, góp phần giảm chi phí vận tải, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa quốc gia.

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu cho biết: Sau nhiều năm khai thác, cả nước đã hình thành các 09 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và kết nối trực tiếp đến các cảng biển và tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB.

Tính đến tháng 9/2021, toàn quốc có 298 cảng, trong đó có 192 cảng hàng hóa, 9 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng; 6.899 bến thủy nội địa, trong đó bến đã được cấp phép hoạt động là 5.449 bến, bến không phép là 1.450 bến; 2.526 bến khách ngang sông, trong đó bến có phép 2.058 (đạt 85%).

Cả nước hiện có 235.000 phương tiện thủy nội địa với tổng trọng tải khoảng 19,6 triệu tấn, tổng sức chở là hơn 515.000 người, tổng công suất hơn 15,4 triệu sức ngựa, độ tuổi bình quân 14 năm.

Có tổng số 2.739 phương tiện mang cấp VR-SB trong đó có 1.244 phương tiện chở hàng có tổng trọng tải hơn 2,8 triệu tấn, 487 phương tiện chở khách với tổng sức chở gần 29.000 hành khách và 1.028 phương tiện khác.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2018 cả nước có hơn 1.700 doanh nghiệp vận tải đường thủy với hơn 43.000 lao động và số vốn sản xuất kinh doanh là gần 12.000 tỷ đồng, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ.

Cục trưởng Bùi Thiên Thu trình bày báo cáo tại Hội nghị

Lãnh đạo Cục ĐTNĐ khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19, vận tải thủy nội địa đã phát huy vai trò, lợi thế của mình để tiếp tục đảm nhận khoảng 20% về vận chuyển và luân chuyển hàng hóa của toàn ngành giao thông, cụ thể: 9 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt 134 triệu lượt khách, giảm 19,6% và 2,3 tỷ lượt khách.km, giảm 19%

Vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 237 triệu tấn, giảm 1% và 50 tỷ tấn.km, tăng 2,9%; so với toàn ngành, 9 tháng đầu năm đường thủy nội địa chiếm 19,8% về hàng hóa vận chuyển hàng hóa và 20,6% về luân chuyển hàng hóa của toàn ngành giao thông.

"Trong những năm gần đây, việc vận tải hàng hóa bằng phương tiện VR-SB trên tuyến vận tải đường thủy ven bờ biển đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực trong việc tăng thị phần vận tải đường thủy, ven biển và góp phần giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ", Cục trưởng Bùi Thiên Thu nhấn mạnh.

Theo số liệu tổng hợp từ các Cảng vụ Đường thủy nội địa và Cảng vụ hàng hải, từ đầu năm 2021 đến nay, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, đạt hơn 33.000 lượt phương tiện thông qua cảng, bến, giảm 28,8% với khối lượng hàng hóa là hơn 45 triệu tấn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện VR-SB năm 2021 đã tăng gấp 9 lần so với năm 2015 (năm đầu mở tuyến).

Hiện nay, khoảng 70% hàng hóa thông qua các cảng biển là hàng container. Tuy nhiên, tỷ lệ đảm nhận của vận tải đường thủy nội địa tại các cảng biển vẫn còn hạn chế nhất là khu vực cảng biển Hải Phòng (chiếm khoảng 1,8%), khu vực cảng biển TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 11% và khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 72%.

Tân cảng Sài Gòn được đánh giá cao với mô hình Chuỗi vận tải xanh bền vững

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, Cục ĐTNĐ đã công bố số điện thoại đường dây nóng, lập nhóm Zalo trực tuyến để thường xuyên tiếp nhận phản ánh, kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho vận tải đường thủy nội địa; Tham mưu Bộ GTVT ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông vận tải đường thủy nội địa làm căn cứ áp dụng trên phạm vi cả nước; Hướng dẫn các cảng vụ và đơn vị vận tải thực hiện thủ tục cảng vụ thông qua người đại diện và tăng cường ứng dụng công nghệ để làm việc từ xa, nhằm hạn chế tiếp xúc, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho thuyền viên và nhân viên cảng vụ.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của vận tải thuỷ nội địa hiện nay như: Các tuyến vận tải thủy không đồng cấp, tồn tại các điểm nghẽn và các cầu có tĩnh không thấp; Cự ly vận chuyển trung bình của các tuyến đường thủy nội địa ngắn hơn so với đường bộ, kết nối giữa vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, nhất là đường bộ và cảng biển chưa thuận lợi; Cảng, bến thủy nội địa có quy mô hạn chế, trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, trình độ cơ giới hóa thấp, được bảo trì kém và kết nối với đường bộ yếu. Số lượng bến thủy nội địa quá nhiều, quy mô nhỏ, tổ chức khai thác thiếu chuyên nghiệp nên gây nhiều khó khăn cho quản lý chuyên ngành và tác động xấu đến môi trường; Phương tiện thủy nội địa chủ yếu vẫn là phương tiện loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp, rất ít phương tiện chở hàng container...

Vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa còn tồn tại bất cập trong việc đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, như: quy chuẩn kỹ thuật hiện hành chỉ quy định mạn khô của phương tiện đến 80m, định mức phao tròn cứu sinh đến phương tiện 50m, nhưng thực tế nhiều phương tiện VR-SB có kích thước lớn hơn; chưa được trang bị thiết bị thông tin phục vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển như  SART, AIS. SART; chưa có quy định về thực tập, diễn tập cứu sinh, cứu hỏa trên tàu; một số thuyền viên còn hạn chế về kỹ năng, trình độ tiếng anh khi tránh va trên biển; định biên tối thiểu chưa phù hợp với tính chất công việc khi hoạt động trên biển…

Cục trưởng Bùi Thiên Thu nhấn mạnh, để phát triển vận tải đường thủy nội địa, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp Vận tải - Cảng - Logistics và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; Tiếp tục kiến nghị Chính phủ giao UBND TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa, để tăng tính cạnh tranh, góp phần dịch chuyển cơ cấu vận tải, hàng hóa chuyển từ đường bộ xuống đường thủy nội địa, góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ.

Bên cạnh đó, cần giải quyết các điểm nghẽn, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến hành lang vận tải thủy chính (khu vực phía Bắc: tĩnh không cầu Đuống, điểm đen khu vực Ngã ba Trại Sơn, ngã ba Kèo; khu vực phía Nam: tĩnh không cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai cũ, cầu Sa Đéc) tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cảng, bến và phương tiện hiện đại, có kích thước lớn để thúc đẩy xu hướng vận chuyển hàng container bằng phương tiện thủy nội địa từ cảng biển cửa ngõ vào sâu trong nội địa.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm, kết nối thuận lợi tối đa với đường bộ, cảng cạn, tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn có công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các Trung tâm logistics ĐTNĐ và tham gia vận tải đa phương thức; Nghiên cứu phát triển phương tiện thủy nội địa chuyên dùng, phương tiện chở container phù hợp với đặc thù kết cấu hạ tầng ĐTNĐ theo từng khu vực và tuyến vận tải ven biển.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuyền viên, phương tiện thủy nội địa để triển khai thủ tục điện tử khi phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa. Nâng cao chất lượng thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đảm bảo phát triển vận tải thủy nội địa an toàn, bền vững. Tiếp tục duy trì nhóm Zalo trực tuyến, số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và giải quyết kịp thời các khó khăn, kiến nghị của các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa trên phạm vi cả nước.

Tại Hội nghị, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Hải Nam, Cảng TNĐ Hồng Vân (Công ty CP Đầu tư TMDV quốc tế Interserco) đã trình bày mô hình hoạt động tại doanh nghiệp mình đồng thời cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh vận tải thủy là kết cấu hạ tầng luồng tuyến, cảng, bến thủy còn nhiều hạn chế, thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị

Các Hiệp hội như: Hiệp hội đại lý môi giới hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cũng đề xuất nhiều giải pháp góp phần khai thác thế mạnh tiềm năng logistics vận tải thủy của quốc gia, góp phần giảm chi phí vận tải, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Tìm lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển Logistic vận tải thuỷ 

Sau khi nghe hơn 20 ý kiến tham luận của các doanh nghiệp, Hiệp hội, các Bộ, Ngành và Cục chuyên ngành thuộc Bộ GTVT, phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá đây là Hội nghị hết sức quan trọng với mong muốn tìm ra lợi thế, khai thác có hiệu quả tiềm năng của vận tải thuỷ nội địa.

Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Vận tải và Cục ĐTNĐ rà soát, tổng hợp lại toàn bộ những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị… Yêu cầu thống kê lại những kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ thì tập trung giải quyết ngay. Những kiến nghị không thuộc thẩm quyền của Bộ, các Bộ, Ngành khác thì cùng phối hợp xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng khẳng định vấn đề lớn nhất hiện tại là Quy hoạch ĐTNĐ. Quy hoạch ĐTNĐ đã được hội đồng Thẩm định Q gia thống nhất. Trong thời gian tới, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ cần nghiên cứu kỹ Quy hoạch ĐTNĐ và tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch ĐTNĐ để đảm bảo thực hiện đúng theo Luật Quy cũng như chốt lại những vấn đề tập trung, định hướng trong 05 năm, 10 năm và 15 năm tới của ĐTNĐ.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định sự kết hợp, phát triển đồng bộ giữa Hàng hải và ĐTNĐ
sẽ góp phần giảm tải cho đường bộ và đường sắt

Khẳng định sự kết hợp, phát triển đồng bộ giữa Hàng hải và ĐTNĐ sẽ góp phần giảm tải cho đường bộ và đường sắt, Bộ trưởng giao Thứ trưởng  Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo, thống nhất sự phối hợp giữa ĐTNĐ và Hàng Hải để thực hiện tốt Quy hoạch ĐTNĐ và Quy hoạch hệ thống cảng biển đã được công bố.

Bộ trưởng cho biết có 03 vùng để tập trung phát triển KCHT gồm: Cụm phía Bắc với 03 tuyến ĐTQG trong đó có tuyến từ Việt Trì - Phú Thọ - Hải Phòng là quan trọng nhất. Khu vực phía Bắc có tiềm năng phát triển ĐTNĐ lớn nhưng kết quả khai thác còn hạn chế, cần cụ thể hoá Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thuỷ nội địa trên sông Hồng và các sông khác để xây dựng kết cấu hạ tầng ĐTNĐ đảm bảo được yêu cầu sử dụng. Bộ trưởng đề nghị Cục ĐTNĐ đưa ra cơ chế, giải pháp cùng phối hợp với Bộ, Ngành, địa phương để đầu tư đúng hướng.

Khẳng định vận tải thuỷ nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang phát triển tốt nhưng tiềm năng vẫn còn rất lớn, Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các cảng cần bổ sung thiết bị, bổ sung cảng thuỷ nội địa, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi xây dựng cảng thuỷ, xây dựng các tuyến đường bộ kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp với các cảng biển… đa dạng hoá hệ thống cảng, tạo tiềm lực mạnh để phát triển vận tải thuỷ nội địa và vận tải ven biển khu vực phía Nam.

"Vận tải hàng hóa bằng phương tiện VR-SB trên tuyến vận tải đường thủy ven bờ biển là xương sống của vận tải hàng hoá ĐTNĐ, phải đảm bảo an toàn, phải có cơ chế quản lý chặt chẽ và được tạo điều kiện phát triển để đảm bảo hiệu quả KT-XH tăng cao". Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đồng thời khẳng định, muốn cụ thể hoá Quy hoạch ĐTNĐ cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn, giảm thu phí hạ tầng cảng biển. Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ cùng phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp, hiệp hội nghiên cứu một loạt cơ chế, chính sách về miễn giảm thuế, tiếp cận vốn… để tạo điều kiện phát vận tải đường thuỷ nội địa, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như toàn xã hội./.

Kim Cúc