Sở GTVT Hà Tĩnh hướng dẫn tạm thời về vận tải đường bộ, đường thủy nội địa thích ứng an toàn dịch

Ngày 19/10/2021
Sở GTVT Hà Tĩnh vừa ban hành “Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Kế hoạch nhằm mục tiêu khôi phục lại hoạt động vận tải bằng đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

Nguyên tắc hoạt động vận tải dựa trên sự phân loại, phạm vi đánh giá cấp độ dịch

Đối tượng áp dụng là các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng kiểm soát dịch, đơn vị kinh doanh vận tải; đơn vị vận tải nội bộ; bến xe, trạm dừng nghỉ trên đường bộ; bến thủy nội địa; đầu mối xếp dỡ hàng hóa khác;

Người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện, người đi theo phương tiện (đối với vận tải hàng hóa, vận tải người nội bộ) và hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa;

Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.

Nguyên tắc hoạt động dựa trên sự phân loại, phạm vi đánh giá cấp độ dịch.

Theo đó, phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 - nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 - nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Phạm vi đánh giá cấp độ dịch được đánh giá từ quy mô cấp xã; khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Hành khách tham gia giao thông đường bộ, đường thủy nội địa phải đáp ứng các yêu cầu về tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế; xét nghiệm y tế.

Cụ thể về xét nghiệm, là các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…; đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp: có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3, đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa), không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn;

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).

Trường hợp Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế ban hành quy định mới về phòng, chống dịch COVID-19 đối các với đối tượng áp dụng tại hướng dẫn tạm thời này thì thực hiện theo quy định mới.

Kế hoạch đưa ra các quy định cụ thể đối với hoạt động vận tải đường bộ (đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; đơn vị hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô; yêu cầu đối với lái xe, nhân viên phục vụ và người đi theo xe; phương tiện vận tải; bến xe, trạm dừng nghỉ; nơi xếp dỡ hàng hóa; người làm việc tại bến xe, trạm dừng nghỉ, nơi xếp dỡ hàng hóa; kế hoạch tổ chức vận chuyển); hoạt động vận tải đường thủy nội địa (đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện vận chuyển hành khách; đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa; thuyền viên, người phục vụ trên phương tiện; phương tiện vận tải; cảng, bến thủy nội địa; người làm việc tại cảng, bến; kế hoạch tổ chức vận chuyển)...

Về kết nối vận chuyển hành khách đến, đi tại ga đường sắt thuộc địa bàn có dịch cấp 4, Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện Đức Thọ, Hương Khê và đơn vị quản lý ga đường sắt tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô kết nối giữa vận tải đường bộ với ga đường sắt;

Đơn vị vận tải kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, lái xe: vận chuyển hành khách đi, đến ga đường sắt theo nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến”, không được phép dừng đỗ trên hành trình (trừ trường hợp khẩn cấp); chấp hành hướng dẫn của Sở GTVT, đơn vị quản lý ga đường sắt khi vận chuyển hành khách đi, đến ga đường sắt; hành khách chấp hành nghiêm hướng dẫn của ga đường sắt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Nguồn: Báo Hà Tĩnh