Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ GTVT ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với mục đích khôi phục lại hoạt động vận tải đường sắt phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.
Đồng thời yêu cầu thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT. Chủ động, thống nhất, đồng bộ giữa Bộ GTVT, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Hướng dẫn tạm thời này áp dụng đối với hoạt động vận tải bằng đường sắt quốc gia trên phạm vi toàn quốc. Đối tượng áp dụng là các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng kiểm soát dịch, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt; doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải bằng đường sắt.
Quy định nêu rõ, đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp: Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); Không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh Covid-19, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu.
Điều kiện hành khách được quy định theo các cấp độ dịch. Cụ thể, đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4: Phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu. Đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 3: Cần thực hiện xét nghiệm Covid-19 khi có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3.
Đối với hành khách đi từ các địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 1, cấp 2, thực hiện theo các quy định phòng dịch chung đối với tất cả các hành khách là: Tuân thủ “Thông điệp 5K”; Khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế; Kê khai thông tin, hoàn thành bản cam kết tại ga xuất phát.
Hướng dẫn của Bộ GTVT cũng quy định, hành khách đi tàu đến từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4 được bố trí vận chuyển bằng toa xe riêng. Khi xuống tàu, ra ga phải có lối đi riêng hoặc tách nhóm với hành khách đi tàu từ địa phương/khu vực có nguy cơ thấp hơn để hạn chế tiếp xúc.
Kết thúc chuyến đi, hành khách xuống tàu phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên phục vụ trên tàu; Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; Tự theo dõi sức khỏe hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 kể từ ngày về địa phương...
Về kế hoạch vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ ngày 21/10/2021: Vận tải hàng hóa thực hiện theo biểu đồ chạy tàu đã được công bố theo quy định. Vận tải hành khách, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chạy tối đa không quá 04 đôi tàu/ngày, đêm; trên khu đoạn Hà Nội - Vinh chạy 01 đôi tàu/ngày, đêm; trên khu đoạn Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh chạy 01 đôi tàu/ngày, đêm; trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy tối đa 03 đôi tàu/ngày, đêm.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 21/10/2021. Bãi bỏ Mục VI Phần 2 của Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực ((đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Toàn văn Quyết định 1839/QĐ-BGTVT và Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu COVID-19 xem tại đây.