Yên Bái: Đội mũ bảo hiểm đã trở thành nét văn hóa giao thông

Ngày 28/10/2021
Sau 14 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường, thói quen đội mũ bảo hiểm đã tạo thành nét văn hóa giao thông trong đại đa số người dân.

Đến nay, tỷ lệ người đội MBH khi đi xe mô tô, xe gắn máy,
xe đạp điện đã đạt trên 95%, góp phần quan trọng
đối với việc giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí

Sau 14 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường, nhất là sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 19/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự giao thông trên địa bàn Yên Bái được nâng cao, hình thành thói quen đội MBH và tạo thành nét văn hóa giao thông trong đại đa số người dân.

Thực tiễn cho thấy, hầu hết mọi người dân, từ những em nhỏ cho đến người cao tuổi khi tham gia giao thông dù là điều khiển phương tiện hay ngồi ở ghế sau đều có ý thức đội MBH, chấp hành nghiêm các quy định đề ra. 

Họ lựa chọn cho mình những chiếc mũ đạt tiêu chuẩn và phù hợp với đặc điểm của bản thân. Tỷ lệ người đội MBH khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đã đạt trên 95%, góp phần quan trọng đối với việc giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí cũng như kéo giảm thương vong do TNGT trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. 

Đó là kết quả từ công tác chỉ đạo, lãnh đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, Yên Bái đã tổ chức 2.100 buổi tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT), mở 13 lớp tập huấn cho trên 1.000 tuyên truyền viên, tình nguyện viên, tổ chức hàng chục buổi ra quân… treo hàng ngàn băng zôn, biển pano, cả trăm ngàn tờ rơi, cẩm nang, sách… về ATGT. Phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á, Công ty Bảo việt Tokio marine, Công ty Honda tổ chức tuyên truyền và trao tặng gần 45.000 MBH đạt chuẩn cho học sinh và người dân.

 Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn mở chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền hàng ngàn bài viết, tin, ảnh tuyên dương, động viên, nhân rộng những cá nhân, tập thể làm tốt công tác ATGT cũng như phê phán và đề ra những giải pháp đảm bảo ATGT. 

Qua đó ý thức, chấp hành đội MBH nâng lên rõ rệt, các hành vi vi phạm về đội MBH giảm qua từng năm, tình hình TNGT giảm rõ rệt. Về TNGT, trong 3 năm, xảy ra 565 vụ TNGT làm chết 143 người, bị thương 644 người. Trong đó có 56 vụ TNTG với 61 nạn nhân liên quan đến MBH. 9 tháng của năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 77 vụ TNGT, làm chết 17 người, bị thương 83 người, hư hỏng 57 xe ô tô, 80 xe mô tô… thiệt hại tài sản khoảng 1.439 triệu đồng (so với cùng kỳ năm 2020 giảm 18 vụ (77/95), bằng 18,9%; giảm 10 người chết (17/27), bằng 37%; giảm 14 người bị thương (83/97), bằng 14,4%). Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ người tham gia giao thông đội MBH ngày một tăng lên và trở thành nét đẹp trong văn hóa giao thông. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số ít người thiếu ý thức, coi thường an toàn của bản thân và những người xung quanh nên họ xem việc đội MBH khi tham gia giao thông là một việc mang tính ép buộc. Hầu hết những người vi phạm pháp luật không đội MBH là những người ở độ tuổi thanh thiếu niên, thậm chí có không ít học sinh, sinh viên. 

Tình trạng đội MBH không đạt chuẩn, đội mũ không cài quai đúng cách, đội mũ mang tính chất đối phó với lực lượng chức năng còn phổ biến, nhất là các đối tượng thanh niên, học sinh. Bên cạnh đó, do đặc trưng văn hóa dân tộc, phụ nữ dân tộc Thái khi lấy chồng thường búi tóc trên đỉnh đầu (tằng cẩu) nên bất tiện khi đội MBH truyền thống do vướng vào búi tóc. Tuy có loại mũ thiết kế riêng cho đối tượng này nhưng giá thành cao, số lượng ít, người dân khó tiếp cận. 

Việc đội MBH khi tham gia giao thông không chỉ mang lại an toàn cho bản thân và những người xung quanh mà còn thể hiện lối sống văn minh, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Việc thiếu ý thức không đội MBH để lại nhiều hậu quả và hệ lụy đáng tiếc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng, trở thành gánh nặng cho xã hội. Mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy đội MBH để bảo vệ chính mình và người xung quanh!

Từ 2018 đến 9/2021, thông qua tuần tra, kiểm soát đã phát hiện và xử lý 53.984 trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện vi phạm các quy định của pháp luật về đội MBH (53.868 trường hợp mô tô, xe gắn máy, 116 trường hợp đi xe đạp điện). 9 tháng năm 2021, phát hiện 6.411 trường hợp. 
 

Nguồn: Báo Yên Bái