Tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách liên vận Việt - Trung

Ngày 22/11/2021
Tổng cục ĐBVN tham gia Hội nghị lần thứ 11 về vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được tổ chức trực tuyến.

Sáng ngày 17/11, Tổng cục ĐBVN tham gia Hội nghị lần thứ 11 về vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được tổ chức trực tuyến.

Toàn cảnh Hội nghị.

Dự Hội nghị về phía nước bạn có đồng chí Lý Hoa Cường – Phó Vụ trưởng, Vụ dịch vụ Vận Tải Bộ GTVT Trung Quốc và đại diện lãnh đạo Ty giao thông vận tải Vân Nam, Ty giao thông vận tải Quảng Tây, Trung Quốc. Về phía Việt Nam có đồng chí Phan Thị Thu Hiền Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN là trưởng đoàn, cùng đại diện lãnh đạo vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Vận tải Bộ GTVT, Cục cửa khẩu, Tổng cục Hải quan các Vụ chức năng của Tổng cục và đại diện các lãnh đạo các Sở GTVT Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Hải Phòng, và đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu tham gia hoạt động vận tải giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết: Từ Hội nghị vận tải lần thứ 10 đến nay, hoạt động vận tải giữa 2 nước đã thu được những kết quả tốt đẹp, chúng ta vui mừng nhận thấy hoạt động vận tải hàng hóa các tuyến khu vực biên giới của 2 nước đã thuận lợi hơn, số lượt phương tiện và đơn vị vận tải tham gia vào vận tải hàng hóa tăng sơ với trước đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa ngày 1 tăng cao.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam và Trung Quốc hầu hết chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa trên các tuyến khu vực biên giới, sau đó trung chuyển vào sâu trong nội địa của nhau. Việc vận chuyển hàng hóa trên các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước còn gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp vận tải của hai nước còn ít tham gia vận chuyển. Do: Quy định về cấp thị thực cho lái xe, phụ xe; Quy định về hải quan giám sát và doanh nghiệp phải có đại lý khai báo hải quan và đóng tiền bảo lãnh; Do chi phí vận tải cao hơn so với việc trung chuyển hàng hóa tại của khẩu.

Các phương tiện vận tải của hai nước chưa hoạt động vận tải tại các cặp cửa khẩu Trà Lĩnh/Long Bang và Tà Lùng/Thủy Khẩu thuộc tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây. Việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện bằng hình thức chở bằng phương tiện thô sơ như kéo xe bò, vác hàng, gánh hàng...vv. Điều đó làm tăng thời gian, chi phí vận chuyển, không thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tại Hội nghị lần thứ 10 tổ chức từ ngày 6-8/12/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh, hai Bên đã thống nhất bổ sung 10 tuyến vận tải liên vận Việt - Trung mới. 10 tuyến này đã được hai Bên lấy ý kiến của các Bộ ngành có liên quan và đã được Chính phủ hai nước nhất trí cho bổ sung. Tuy nhiên, đến nay Bộ giao thông vận tải hai nước vẫn chưa ký kết bổ sung 10 tuyến vận tải liên vận việt - Trung.

Mặt khác, đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách liên vận Việt - Trung. Hiện vận tải hành khách giữa hai nước và vận tải hàng hóa trên các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước đang tạm dừng không hoạt động.

Tại hội nghị lần này, hai Bên tiếp tục thực hiện việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đối với vận tải hàng hóa đường bộ quốc tế hai nước Việt – Trung; trao đổi Giấy phép vận tải theo quy định và tổ chức cấp giấy phép vận tải cho các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách của hai nước hoạt động vận tải liên vận Việt - Trung và xe công vụ của hai nước đi công tác. Đồng thời thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách liên vận Việt - Trung đối với các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước và vận tải đường bộ GMS. Về việc tiếp tục bổ sung các cửa khẩu và tuyến vận tải hàng hóa, hành khách liên vận Việt - Trung mới. 

Cũng tại Hội nghị này, Phía Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc sớm hoàn thành thủ tục nội bộ phê chuẩn mở chính thức tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) và trở thành lối thông quan thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); có công hàm gửi phía Việt Nam đồng ý mở tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) và trở thành lối thông quan thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) để tổ chức vận tải hàng hóa liên vận Việt - Trung.

Sau một ngày hội đàm, hai bên cũng thống nhất cùng nhau các ý kiến đã trao đổi và báo cáo cấp có thẩm quyền sớm xem xét phê chuẩn bổ sung các tuyến vận tải hành khách, hàng hóa mới vào danh mục các tuyến vận tải nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai nước đó là tuyến vận tải hành khách du lịch.  

Đồng ý tổ chức khảo sát các tuyến vận tải đường bộ và cặp cửa khẩu mới theo đề nghị của hai Bên và tổ chức ký kết khi được Chính phủ hai nước đồng ý cho bổ sung để đưa vào thực hiện hoạt động vận tải liên vận Việt - Trung.

Nguồn: Tổng cục ĐBVN