Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là tiền đề thúc đẩy KT-XH của đất nước

Ngày 29/11/2021
Trong thời gian qua, cùng với chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, điển hình là Bộ GTVT, công tác đầu tư, xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông trực thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Năm 2021, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai 61 dự án; trong đó, tiến hành khởi công 20 công trình, dự án mới, đồng thời dự kiến hoàn thành thi công xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 23 công trình, dự án. Trong đó, tính đến trung tuần tháng 9/2021, đã tiến hành khởi công 08 công trình, dự án mới gồm: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (Giai đoạn 1), Cảng hàng không quốc tế Long Thành, QL19 nối Kon Tum - Bình Định, đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắc, cao tốc QL45 - Nghi Sơn, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm... Đồng thời hoàn thành thi công xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 02 dự án: sửa chữa mặt cầu Thăng Long và dự án cầu Cửa Hội; các dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê tỉnh Gia Lai, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, QL27 đoạn tránh Liên Khương đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

Đối với công tác quản lý KCHTGT đường bộ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp quản lý, bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo giao thông an toàn thông suốt trên toàn bộ hệ thống quốc lộ (cầu, đường, bến phà, hầm đường bộ với tổng chiều dài hơn 24.000 Km). Đẩy mạnh triển khai rà soát, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN41:2019/BGTVT), xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT với những kết quả nổi bật.

Về lĩnh vực đường bộ,đã xử lý 67 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Sơn kẻ 154 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 1.607 cụm biển báo; sửa chữa, bổ sung 119 km hộ lan tôn sóng. Ngoài ra, thực hiện Văn bản số 647/VPCP-CN ngày 26/01/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành Văn bản số 1488/BGTVT-KCHT ngày 24/02/2021 về “Giải pháp tăng cường, cải thiện an toàn KCHTGT trên QL.1A và các tuyến Quốc lộ trọng điểm”, theo đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát, xử lý các điểm đen mới phát sinh; lập danh mục thứ tự ưu tiên xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT trong kế hoạch năm 2022 và các năm tiếp theo.

Về lĩnh vực đường sắt, các đơn vị chức năng trong lĩnh vực đường sắt đã thực hiện xóa bỏ 37 lối đi tự mở; cắm bổ sung và sơn sửa 418 cọc tiêu; sơn 197 m vạch dừng; cắm bổ sung 125 biển báo hiệu; xây dựng 42 gồ, gờ giảm tốc; phát quang tầm nhìn tại 724 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại 51 vị trí. Các đơn vị đường sắt và địa phương tổ chức cảnh giới tại 376 giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; duy trì đảm bảo hoạt động 108 điện thoại báo tàu và thông tin giờ tàu.

Ảnh minh họa. 

Về lĩnh vực đường thủy nội địa,tiếp tục thực hiện công tác quản lý bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; trong đó đã hoàn thiện công tác lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng 64 gói thầu liên quan đến KCHTGT đường thủy; tổ chức thực hiện công tác điều tiết khống chế đảm bảo giao thông tại 40 vị trí (như: km 11 sông Lô; km 45- km46 sông Lô; km 254 đến km 256 sông Hồng…) và tổ chức thực hiện công tác thường trực chống va trôi mùa lũ tại 17 vị trí.

Về lĩnh vực hàng hải, để bảo đảm ATGT hàng hải, các đơn vị chức năng đang triển khai một số dự án, như: Dự án luồng Phan Thiết, Dự án thiết lập Đài vệ tinh Cospas Sarsat thế hệ mới MEOLUT, đầu tư xây dựng 13 đèn biển; đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng công ten nơ Cái Mép; Đầu tư xây dựng tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang, Đà Nẵng; cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000DWT; đường kết nối sau bến 3-4-5-6 cảng Lạch Huyện; đường kết nối sau các khu bến cảng Trần Đề.

Về lĩnh vực hàng không, đã triển khai một số dự án để nâng cao điều kiện ATGT đối với KCHTGT hàng không, như: nâng cấp, cải tạo sân đỗ máy bay khu vực nhà ga cũ và đường lăn W2 – Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; triển khai bước 1 của Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; giai đoạn 2B - Dự án đường cất hạ cánh số 2 - CHKQT Cam Ranh; đài kiểm soát không lưu Phù Cát; đài kiểm soát không lưu Buôn Ma Thuột.

Nghị quyết 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Xây dựng quy hoạch phát triển các ngành kết cấu hạ tầng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số…

Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân chính là tiền đề tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện bứt phá trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của đất nước./.

Nguồn: Tổng cục ĐBVN