Ủy ban ATGT Quốc gia tổng kết các giải pháp kinh nghiệm bảo đảm ATGT

Ngày 03/12/2021
Ngày 02 và 03/12, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2021. Đây là lần thứ 7 Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và trực tuyến toàn quốc qua phần mềm ZOOM.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ - Ủy viên Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia tới dự và phát biểu khai mạc phiên toàn thể. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng; cùng 400 đại biểu đến từ 63 địa phương (ngành GTVT, CSGT), lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành Trung ương có thành viên trong Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức có liên quan tới lĩnh vực ATGT.

TS. Nguyễn Hữu Huy – Viện Kỹ thuật Giao thông, Đại học Nguyễn Tất Thành trình bày

Báo cáo "Ảnh hưởng của phân loại đường theo chức năng đến giao thông và an toàn"

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam lần thứ 7 đã có 64 công trình nghiên cứu khoa học tham dự, trong đó có 53 công trình đã được chọn để trình bày tham luận và 35 công trình có hàm lượng khoa học cao đã được hội đồng khoa học lựa chọn để công bố thành công trình khoa học trên Tạp chí Giao thông vận tải số đặc biệt về An toàn giao thông Việt Nam 2021.

TS. Nguyễn Đinh Vinh Mẫn, Đại học Việt Đức 

trình bày Báo cáo “Hiệu quả tiềm năng chương trình đào tạo nâng cao khả năng

nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm trên đường cho người đi mô tô, xe gắn máy"

Nội dung Hội nghị đề cập đến an toàn giao thông của tất cả các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không, gồm 09 chủ đề: (1) Quản lý an toàn giao thông; (2) Hạ tầng và tổ chức giao thông; (3) Phương tiện giao thông; (4) Người tham gia giao thông; (5) Ứng phó sau tai nạn giao thông; (6) An toàn giao thông đường sắt; (7) An toàn giao thông đường thủy nội địa và hàng hải; (8) An toàn giao thông hàng không và (9) Kinh nghiệm Quốc tế về an toàn giao thông.

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Chính, Bệnh viện Việt Đức trình bày "Nhận xét chấn thương

sọ não do tai nạn liên quan đến đồ uống có cồn cấp cứu tại Bệnh viên Hữu nghị Việt Đức"

Trong đó lĩnh vực đường bộ được đặc biệt chú trọng, với các phiên thảo luận chuyên sâu về quản lý an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT.

TS. Lê Thu Huyền, Đại học GTVT trình bày Báo cáo

"ATGT trong quy hoạch và thiết kế TOD: giải pháp cho phát triển đô thị hiện đại"

Đặc biệt hội nghị đã được nghe nhiều bài báo cáo có giá trị học thuật và thực tiễn cao, như: Nghiên cứu phát triển công cụ lấy dữ liệu từ Google Maps ứng dụng trong việc phát hiện ùn tắc và tai nạn giao thông theo thời gian thực tế; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ; Ứng dụng CMCN 4.0 trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn giao thông đường bộ Quốc gia; Ảnh hưởng của phân loại đường theo chức năng đến giao thông và an toàn; Biện pháp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến an toàn đường bộ trên thế giới, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam...

Nghiên cứu của TS. Lê Thu Huyền, Đại học GTVT

Tại hội nghị, các cơ quan quản lý khẳng định sẽ tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu về ATGT cũng như công tác đào tạo giảng dạy ATGT, đồng thời trân trọng lắng nghe tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chọn lọc những quan điểm giải pháp hợp lý, đưa vào chương trình hành động của tổ chức, qua đó chuyển tải những tri thức mới nhất của thế giới vào đời sống thực tế, góp phần kéo giảm sâu tai nạn giao thông tại Việt Nam.

PGS.TS. Lê Huy Trí, Học viện CSND trình bày Báo cáo "Ứng dụng camera giám sát

xử phạt vi phạm  nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT tại Việt Nam"

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đây là lần thứ 7 Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị ATGT Việt Nam. Các bài nghiên cứu, công trình đều có chất lượng tốt, số lượng bài có chất lượng cao có ở tất cả các tiểu ban, đây là sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, các chuyên gia đối với sự nghiệp ATGT.

Ông Khuất Việt Hùng đánh giá các tác giả có bài nghiên được các tiểu ban giới thiệu và trình bày tại hội nghị năm nay với nội dung hay, đa dạng về vấn đề tổ chức giao thông, quy hoạch đô thị, người tham gia giao thông, điều chỉnh những giải pháp để đào tạo cho người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, đặc biệt là lớp trẻ, cũng như các vấn đề liên quan đến cấp cứu, xử lý sơ cứu, các vấn đề về ATGT hàng không, đề xuất trực tiếp vào những dự án, công trình cụ thể để đảm bảo an toàn khai thác...

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tổng kết Hội nghị

Ông Khuất Việt Hùng cho biết sẽ có 35 công trình khoa học (trong tổng số hơn 60 công trình) được công bố trên báo chí, những đề xuất, giải pháp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học phải đến đúng địa chỉ, đặc biệt phục vụ cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn.

Ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết, chủ đề Năm ATGT 2022 là “Xây dựng văn hóa giao thông, gắn với phòng, chống dịch COVID-19”, chủ đề này gắn trực tiếp với tinh thần chung của toàn Đảng, toàn dân sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 11/2021).

“Rõ ràng việc xây dựng văn hóa giao thông, chúng ta phải thực hiện với tinh thần mới, tâm thế mới, nhiền nhận văn hóa là thể hiện bằng các hành vi cụ thể của người tham gia giao thông, nhưng đồng thời cũng là văn hóa hành nghề, văn hóa chuyên nghiệp của người làm công tác xây dựng, thiết kế, quy hoạch, đến việc thực thi pháp luật về bảo trì, quản lý vận tải, về tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm” - ông Khuất Việt Hùng nói.

Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh đến nhiệm vụ của năm 2022, tiếp tục thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT, trong đó vai trò của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học rất quan trọng, nên mong muốn các nhà nghiêp cứu, khoa học, chuyên gia tiếp tục tham gia nghiên cứu, trao đổi và đề xuất các giải pháp cụ thể tại Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2022.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu khai mạc tại phiên toàn thể

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2021 là sự kiện có tầm quan trọng và có tác dụng tích cực trong việc công bố, thảo luận, chia sẻ, tổng kết các giải pháp kinh nghiệm bảo đảm ATGT tại Việt Nam.

Thứ trưởng đề nghị các nhà quản lý và các tổ chức có liên quan chủ động phối hợp, trân trọng lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chọn lọc những quan điểm giải pháp hợp lý, đưa vào chương trình hành động của cơ quan, tổ chức, qua đó chuyển tải những tri thức mới nhất của thế giới vào đời sống thực tế, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Thứ trưởng cũng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, các cơ quan thành viên tiếp tục tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu về ATGT cũng như công tác đào tạo giảng dạy ATGT... Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các nhà quản lý và các nhà khoa học để chọn lọc và chuyển tải những thông tin kiến thức cần thiết về ATGT đến cộng đồng để người dân biết, ủng hộ các chính sách và giải pháp về ATGT của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia.

Hội nghị ATGT Việt Nam 2021 nhằm tìm ra được những giải pháp khoa học, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội ở Việt Nam; công bố, trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực an toàn giao thông; thu hút các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý tham gia nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cụ thể, đồng thời gia tăng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ATGT, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp./.

Xuân Nguyên